THIỆN ÁC TRANH ĐẤU VỚI NHAU NHƯ THẾ NÀO ĐỂ TRỞ VỀ VỚI BẢN THIỆN TỰ NHIÊN???

Tại sao người tu tập Giác Ngộ Giải Thoát muốn về với “Thế Giới Của Mười Phương Chư Phật” thường hay gặp những cảnh thị phi oan trái???

Đây là lý do mà nhiều người lúc đầu tu tập thì rất mãnh liệt, sau dần thì hay bị thối lui, thối chuyển. Bạn xác định con đường nếu muốn về Phật Giới thì phải trả hết tất cả các loại “Nghiệp Duyên” mà mình đã gieo. Khi bạn trốn cảnh tức tránh né mọi người, tránh va chạm tiếp xúc để không có cảnh. Bạn “Tưởng” bạn đã thành tựu, đã thành Phật rồi đi xưng nọ xưng kia, nảy lên Ngã Mạn coi thường mọi người.

Bởi đó chỉ là dụng công đè nén các niệm Khởi xuống, còn trong tàng thức của bạn thì vẫn còn nguyên xấu ác. Người phát tâm về với “Thế Giới Chư Phật” thì cảnh đến càng nhiều thì phải cảm ơn nghịch cảnh để có cơ hội tập cho thuần thục, xem Tâm của bạn có chịu đựng được những thị phi oan trái hay không???

Nếu bạn đi cãi đối phương thì bạn bị thua một bài thi, bạn phát nguyện thành Phật độ tất cả mọi người mà bạn lại đi thanh minh cho nỗi oan thì lời phát nguyện của bạn là gian dối. Nói một đằng, hành một nẻo, bị mọi người chửi bới, giày xéo mà không tự ái, không giận… Các Tánh ngạo mạn, hơn thua, ghen ghét,…. trong tàng thức khi tuôn đổ mà bạn không phiền não, dính Chấp theo thì gọi là độ tất cả “chúng sinh” mà không thấy “chúng sinh” nào được độ.

Trong cuộc sống, bạn gặp nghịch cảnh oan trái, bạn “Thấy, Biết” chấp nhận sống vui vẻ thì sẽ hết cảnh cho bạn “thi”. Còn nếu bạn “Dừng” ở cảnh đó, bạn cãi nhau, mắng chửi lại, sân si lại thì bạn không tiến bộ được, giống như học lớp một vẫn cứ là lớp một, phát tâm để thành Phật nhưng vẫn chỉ là phát tâm thôi vậy, không chịu dùng “Thấy, Nghe, Nói, Biết, Dừng” để độ những Kiến Chấp của chính mình…

Tánh Phật làm sự sống cho “Chấp Tôi” mà “Chấp Tôi” bao biện đủ thứ để cho bạn thích Danh Lợi, ở hoài nơi trái đất này. Vậy nên, bạn tu tập cần cảnh tỉnh hằng ngày, biết niệm nào mà nghĩ sai, hành sai thì quay lại với mục đích ban đầu của mình. Con đường bạn chọn, mục đích ban đầu bạn đến với Phật Pháp là gì??? Ở dưới Trái Đất này không nên tham đắm, “quê xưa” của bạn là ở trên “Thế Giới Chư Phật”. Nếu bạn muốn có “nhà” ở trên đó thì hằng ngày bạn phải kiếm “vật liệu xây dựng “ cho ngôi nhà của mình. Mà “vật liệu xây dựng” chính là giúp cho người khác được “Giác Ngộ và Giải Thoát”, rất dễ kiếm ở nơi thế giới này.

Vì đa số con người ở thế gian thường đi kiếm vật chất hão huyền để nuôi thân giả tạm, Chấp tình thân, nhà cửa, đất đai… là thật có, trường tồn. Vui buồn theo cảnh, quên mất đi kiếm “vật liệu để về xây nhà”’. Nên bạn sáng suốt thì “kiếm vàng xây nhà thật trên Chư Phật”. Còn kiếm vàng cất két, Danh Lợi giả tạm cũng chỉ là để cho người đời cung phụng… để sau phải đi theo chiều của Luân Hồi.

Thời kỳ văn minh lên cao, không dùng Tánh Lương Thiện để sống có ích mà lại dùng “Tánh Ác” để đi phá hủy Trái Đất, sự sống của loài người, vì thế nên bị vô minh che mờ đi mất Tánh Phật. Dính chấp con cái, nhà cửa, oán thù, nghĩ là thật có nên khi bỏ thân mạng này sẽ đi theo chiều của Luân Hồi Lục Đạo. Dính tiền, con cái, nhà cửa thì sẽ Luân Hồi quay lại để giữ tiền mà bạn lúc sống đã tích cóp.

Nên hằng ngày bạn nên suy nghĩ ngày hôm nay thì sống nhưng còn ngày mai thì không biết sẽ đi về đâu, tập không còn phiền não nhiều, tinh tấn mãnh liệt để bước trên con đường của mình. Còn trong tàng thức khi mới vào Sơ Địa Bồ Tát phát tâm thì bắt đầu Tánh Phật đi vào “cửa” giống như một vị “thẩm phán”, Thấy Biết, phân xử Tánh Thiện, Tánh Ác “tranh đấu nhau” tức còn đối đãi. Nên Ý Biết “lái” Ý Thiện đi ngược lại với Ý Ác thì chiến thắng nếu “Biết” mà để đấy thì Ý Ác vẫn còn nguyên. Ví dụ:

– Ở công ty có một chị tên A làm rất giỏi, người em tên H thấy chị này làm giỏi nên tỏ lòng đố kỵ không thích chị A. Người em nghĩ xấu chị này bảo là thảo mai hay nịnh nọt Giám Đốc, làm nhanh để cho Giám Đốc khen. Tánh Thiện thì nghĩ rằng: “Bạn mới là xấu tính, thế nào cũng nghĩ được cho người khác xấu, họ làm tốt sao mình không hoan hỷ cùng họ mà đi tỏ lòng đố kỵ, bởi nghĩ xấu thì sẽ bị cộng thêm Ác Đức vậy.”

Đây là 2 Tánh “tranh đấu với nhau”, lần nào cũng thế, cứ Giám Đốc đến thì Tánh Ác và Tánh Thiện cùng “tranh đấu”. Sau nhiều lần như vậy, em H cũng học Phật Pháp, biết những thứ nghĩ xấu người khác là không tốt, dần Buông bỏ nhưng không Buông được luôn mà phải Buông từ từ. Bắt đầu nghĩ Thiện, nghĩ tốt cho chị A, vui theo việc chị làm nên sau nhiều lần “tranh đấu”, em H đã chiến thắng được Tánh Ác. Nên Ý Biết như “anh thẩm phán” phân xử, làm cho bên Thiện đã thắng bên Ác hoàn toàn, áp dụng cho mọi hoàn cảnh trong cuộc sống. Hoặc:

– Trong một công ty không ai chịu lau dọn bếp núc, dọn rác, cọ nhà vệ sinh, chị B liền dùng Ý “Vì Người Khác” , dọn rác cho sạch sẽ, nhưng lần đầu làm thì Tánh Ác bao biện: “Bảo không phải dọn, ai ăn thì để cho họ dọn, đây là chỗ công cộng, không việc gì mà phải làm cả…” Tánh Ác bao biện thêm là: “Mình làm thì người khác lại bảo là “nhiệt tình” quá rồi họ lại càng bắt nạt thêm…” Tánh Thiện thì bảo: “Ai cũng như bạn thì làm gì có người tốt, rác ở xã hội làm gì có người dọn, đã lười lại còn hay nghĩ xấu, chỉ muốn co vào cho mình, không có ý thức…”

Sau một hồi đấu tranh thì Ý “Thấy, Biết” quyết định lái Ý Thiện làm việc lau chùi dọn dẹp. Ngày nào cũng như ngày nào, khi bắt đầu vào dọn dẹp là “tranh đấu Thiện Ác trong lòng”, tập đến khi không còn “tranh đấu” nữa, làm một cách tự nhiên, làm vô tư trong sáng, không ngăn ngại, đối đãi. Sau một thời gian thực hành liên tục thì Tánh Thiện chiến thắng hoàn toàn, làm cũng như không làm, hành cũng như không hành, không còn đối đãi, không Thiện không Ác.

Có nhiều vị tu hành đã Chấp vào không, tức không có gì nên không cần hành gì cả, như thế rất là nguy hiểm. Vì vậy những ví dụ trên để cho bạn dễ hiểu, hành mà không Chấp thì mới thật là hành để làm đến chỗ Thanh Tịnh tự nhiên, không còn Thiện Ác “tranh đấu”, chỉ dùng Ý Thiện làm việc, gọi là làm đến chỗ không làm mới thật là làm, tu đến chỗ không tu mới thật là tu, chứng mà không chứng mới thật là chứng…

Chỉ muốn người khác tốt, không làm cho ai buồn nên không giữ giới mới thật là giữ giới. Không sát sinh, tà dâm, nói dối, trộm cắp, uống rượu, không phạm vào những giới này thì không giữ giới mới thật là giữ giới… Có ví dụ:

– Niệm Danh xúi: “Tập được một thời gian, cũng giỏi rồi nên chia sẻ cho nhiều người biết để cho nhiều người cung kính để có Phước”. Tánh Thiện thì bảo: “Tôi không cần ai cung kính, vì sau sự cung kính, tôi phải tinh tấn hơn, giúp người khác Giác Ngộ Giải Thoát nhiều hơn. Nếu tôi không giúp được ai thì sẽ bị tổn thọ… Nếu tôi làm như những niệm xấu thì sẽ bị đi vào con đường hoa báo, lừa đảo…”

Bởi vì Pháp thì là của Phật mà bạn đưa niệm Danh của bạn vào thì là Ác Pháp. Chính Ngũ Ấm Ma đã lợi dụng sơ hở của niệm Danh nổi lên nên bị điều khiển, Pháp của Phật chuyển thành Tà Pháp. Chưa “độ” được Tham ác, Kiến Chấp của mình mà lại đi nhận người đời cung kính thì khi hết thọ mạng sẽ phải đi theo đường Ác vậy.

Sau một hồi “tranh đấu” với niệm Danh, Ý đã lái Tánh Thiện theo chiều chỉ thương mà làm, giúp mọi người Giác Ngộ, Giải Thoát. Áp dụng cho các loại Kiến Chấp, Ngã Mạn, chiến thắng được Tánh Ác thì bạn mới sang được bản Thiện của Tánh Phật. Hoặc:

– Tánh Tham thì luôn thích mua đất, làm nhà, mua ô tô để có danh tiếng, không bị người đời nói là mình hèn hạ, không có chí tiến thủ. Đây gọi là thích Danh, thích oai, thích khoe mẽ hơn người. Còn Tánh Thiện biết ít, biết đủ, không cần ai biết đến, ai nói xấu thì kệ họ, bởi họ sẽ phải chịu quy luật của Nhân Quả.

Không cần khoe Danh, không cần người khác tôn trọng, không sợ đói, không sợ nghèo… Nếu số tiền mình làm bằng mồ hôi công sức thì không nên gieo Ý niệm là để khi ốm đau còn có tiền chữa bệnh, vì nếu gieo Nhân thì phải ra Quả là sẽ dùng hết số tiền đó để đi chữa trị bệnh. Còn không có tiền, lại muốn đi tích trữ khi về già rồi đi tạo Nghiệp, lừa đảo thì thường con cái sẽ “quậy phá” hết số tiền đó. Người nghèo ở thế gian, luôn biết cho đi thì lúc nào cũng là “người giàu nhất”, còn người giàu mà không biết cho đi, cất trữ để dành mấy nghìn tỷ thì vẫn mãi là “người nghèo đói”.

Nên không quan trọng là giàu hay nghèo ở Trái Đất này, quan trọng ở cách ứng xử là sẽ biết người đó giàu hay nghèo. Khi bỏ thân mạng thì sẽ không còn gì để níu giữ và hối tiếc. Quyết định của Ý Thiện là không nghe Ý Ác xúi giục. “Tranh đấu” với Tánh Ác, Tham, khi nào Tánh Thiện thắng thì Tánh Ác mới dần tan biến, không trỗi dậy để đấu tranh lại với Tánh Thiện nữa vậy. Có một ví dụ:

– Có một người em A biếu đồ tặng anh chị, khi em đến chơi nhìn thấy ở trên tủ lạnh vẫn để túi quà mà người em đã tặng hôm trước, lúc đó em A thoáng qua ý nghĩ: “Ơ! Sao quà mình tặng anh chị vẫn còn ở đây, sao anh chị không dùng nhỉ???” Em A chỉ nghĩ thoáng qua như vậy nhưng không phát hiện ra đó là niệm Nghi. Về nhà một thời gian, em A tự nhiên lại nhớ tới, trong đầu Thiện – Ác “tranh đấu” nhau, niệm Ác thì bảo: “Anh chị không tôn trọng bạn đâu, lần sau không phải đến làm gì cả”. Niệm Thiện thì khuyên: “Bạn kém quá, đúng là xấu xa không ai bằng, anh chị cưu mang bạn gần 2 năm trời, không lấy một đồng nào, cũng không yêu cầu phải mua bán bất cứ thứ gì, anh chị lo cho từng li từng tí như thế mà bạn còn nghi ngờ anh chị. Bạn nghĩ, muốn anh chị dùng đồ của bạn mà dễ thế sao??? Anh chị nhận, chủ yếu là để cho bạn vui lòng, cũng vì muốn chia cho bạn chút Phước để cho bạn đỡ tổn Phước. Anh chị làm việc gì cũng chỉ muốn tốt cho người khác, đâu cần phải giải thích với ai… Nên Tánh Thiện đã thắng, Tánh Nghi không thể trỗi dậy được, sau biết bao nhiêu lần bao biện, nói xấu, chỉ muốn em A xa rời anh chị…

Vì thế trong cuộc sống, khi gặp nghịch cảnh “Ác và Thiện” sẽ “tranh đấu” với nhau. Nếu không dùng Ý giúp người khác “Giác Ngộ Giải Thoát” thì sẽ như như bất động, chỉ đứng ở ngoài, lấy Thanh Tịnh dụng công của “Chấp Tôi” để tả Tánh Phật. Bởi Tánh Phật vốn đã có sẵn, vốn trong sáng không cần tu tập gì mới có, nếu cứ sống như như thì sẽ không đi được đến đâu. Không về với “Thế Giới Của Mười Phương Chư Phật” mà lại thành A La Hán, vì không dùng Ý “Thấy, Nghe, Nói, Biết” tự nhiên để “hành” mà lại dùng “Thấy, Nghe, Nói, Biết” chồng thêm “Thấy, Nghe, Nói, Biết” tức là “Khởi” lên dụng công tu để đạt thành tựu như như.

Thiếu Ý gieo “nhân”, phải hành thì mới ra “quả”. Nên tất cả các cảnh sau khi bản Thiện thuần thục chiến thắng Tánh Ác thì chỉ dùng Ý giúp người khác Giác Ngộ, Giải Thoát. Đây gọi là học các vị Phật, dùng Ý Phật gieo nhân Phật, Hành Ý Phật khắp nơi để về với “Thế Giới Chư Phật” bao la trùm khắp…

 

TRÍCH QUYỂN: “DÙNG Ý TỐT VÌ NGƯỜI KHÁC LÀ HẠNH PHÚC TRƯỜNG TỒN”
NXB. HỒNG ĐỨC

Bài viết liên quan