THẾ NÀO LÀ KINH CHUYỂN VÀ CHUYỂN KINH???

Đức Phật có dạy:

– “Kinh chuyển không bằng chuyển kinh”

Câu này ý Đức Phật muốn dạy là: “Tất cả những người “tu qua sông” thì nhớ phải bỏ bè”. Đức Phật hướng dẫn giống như “ngón tay chỉ mặt trăng”, thấy “mặt trăng” rồi thì không nên để ý đến “ngón tay” nữa. Nên đa số là đều bị “dính” vào ngón tay chỉ “mặt trăng”, do đó không thấy “mặt trăng” mà chỉ thấy “ngón tay” vậy.

Đức Phật chỉ ra con đường Giải Thoát Giác Ngộ là “Buông Bỏ”, bạn tập học có một chữ “Buông”. Buông là buông ở trong lòng, buông sạch sẽ, có cũng được, không có cũng không sao. Không nên “dính” vào một điều gì cả, bởi đa số tu thứ gì là thường bị “dính” vào thứ đó nên Đức Phật mới dạy:

– Kinh của Đức Phật cũng không được Dính mà học Kinh để chuyển Kinh, chứ đừng để bị Kinh chuyển mình…

Kinh chuyển mình tức là bạn Chấp chặt vào Kinh, đi đâu cũng mang Kinh Pháp ra nói nhưng trong lòng thì vẫn còn nguyên Tham, Sân, Si,…. còn nguyên “Chấp Tôi”. Còn người hiểu Kinh rồi, khi đi vào thực hành sẽ áp dụng vào trong đời sống thì được gọi là chuyển Kinh vậy. Trường hợp chưa nhận ra được Phật Tánh mà đi chia sẻ Phật Pháp thì rất dễ lạc vào Tà Đạo, đi theo con đường Danh Lợi, bạn phải hiểu ý sâu màu của Đức Phật rồi mới đưa dần vào thực hành. Còn người ngộ ra Tánh Phật của mình, biết Tánh Phật của mình rồi thì không cần dùng đến Kinh nữa, giống như “qua sông thì bỏ bè”, thấy được “mặt trăng” rồi thì nên bỏ “ngón tay” xuống để không còn bị Dính vào Kinh Phật. Ví dụ như:

– Trường hợp niệm danh hiệu, Tánh Phật vốn có sẵn tại nơi mình nhưng bạn không chịu nhận mà cứ đi niệm ngày này qua ngày khác để cho Đức Phật đến “đón về”…
– Người thì muốn Phật Pháp phát triển nên thành lập đạo tràng phổ biến Phật Pháp, vi tế gốc là Danh nhưng không nhận ra, bao biện là “tôi muốn phát triển cho pháp môn của Phật”. Đi đâu cũng “Dính” Pháp, khoe mình là giỏi nhất. Chính vì Danh, làm bằng “Chấp Tôi” nên “Dính chặt” Pháp, “Chấp chặt” tôi tu mấy chục năm ăn chay giữ giới… Khi có vị Thầy đến chỉ: “Thấy, Nghe, Nói, Biết” không Khởi là Tánh Phật, chỉ giúp người Giác Ngộ Giải Thoát nên càng suy nghĩ càng Thanh Tịnh tự nhiên… nhưng họ không tin, nói rằng vị Thầy này quá Ngạo Mạn, bảo Thầy chịu khó tu đi, vài chục tỷ kiếp nữa mới thành Phật được…

Do “Chấp chặt” Kiến Chấp là phải tu mới thành Phật nên bạn không nghe ai cả, gọi là “Dính Pháp Phật”. Còn các vị khi nhận về Phật Tánh, các vị chỉ còn tập và dùng Tánh Phật gọi là đốn ngộ, “Buông” tu để được Tánh “không tu”. Nên cứ “giữ chặt” không “Buông” được Pháp thì gọi là bị Kinh chuyển. Ví như:

– Người đốn ngộ ở trong nhà gọi là Phật Tánh, tức an nhiên tự tại còn khi ra ngoài cửa, “Khởi” ra niệm thì được gọi là vọng Tánh. Ở trong nhà thì không có sấm chớp, mưa gió, bão bùng còn khi “Khởi” ra, bước chân ra ngoài thì mưa gió, sấm chớp, gió rét. Ví như phiền não đau khổ, chạy theo cảnh, tưởng đủ thứ vậy… Cho nên muốn vào trong nhà thì bạn hãy bỏ “Tưởng”, bỏ “Chấp Tôi” thì sẽ bước chân vào được “trong nhà”, sống một cuộc sống an nhiên tự tại…

Như Phật Tánh mà muốn ở “trong nhà mãi” thì không nên “Khởi” ra tư lợi cá nhân, chỉ suy nghĩ giúp người Giác Ngộ Giải Thoát thì sẽ không có “trộm” gõ cửa để cướp mất “kho báu” nơi chính mình, bởi bước “ra ngoài” thì là phiền não đau khổ, còn bước “vào nhà” thì là an nhiên tự tại vậy.

Còn chuyển Kinh, có nghĩa là vị này đã học và thực hành được hạnh Vô Ngã, làm lợi ích, giúp cho nhiều người được Giác Ngộ Giải Thoát, không còn Chấp vào nghịch cảnh hay là thuận cảnh. Như Đức Phật dạy, khi Thấy được “mặt trăng” thì bạn nên “Buông” ngón tay đã chỉ hướng nhận về “mặt trăng”, hãy nhận “mặt trăng” để sử dụng chứ không phải để dùng “ngón tay đã chỉ hướng”, gọi là “Buông” được Pháp của Phật để ứng dụng vào trong đời sống. Ví dụ, ngày xưa đi đâu bạn cũng khoe Tôi:

– Tôi tài, tôi nhiều tiền, tôi đẹp, tôi tốt….

Nhưng ngược lại khi nhận về Phật Tánh rồi thì bạn luôn cúi đầu khiêm tốn, tất cả mọi việc đều làm không dấu vết, đưa mọi người lên trên, mình ở dưới. Về được Vô Ngã rồi thì sẽ không còn Chấp vào Kinh, không Chấp vào bất cứ điều gì thì tức là bạn đồng với Ý Phật. Còn nếu mà bạn vẫn còn Chấp vào Kinh Sách, Chấp vào mọi thứ rồi thực hành theo thì đó là hiểu biết của vật lý, tức là sẽ nằm ở “Tánh Biết” thứ hai và thứ ba, là Thấy chồng lên Thấy. Tánh Phật chỉ Thấy, Nghe, Biết, giúp người khác Giác Ngộ Giải Thoát là đủ, còn lại thì là Tưởng nhưng quan trọng là Tưởng đúng hay là Tưởng sai.

Tưởng đúng là Ý luôn suy nghĩ giúp người khác Giác Ngộ Giải Thoát một cách tích cực. Còn Tưởng sai thì hay nghĩ xấu, oán hận, tư lợi cá nhân, lừa đảo, trộm cắp, nghĩ Danh Lợi về cho riêng mình. Nên Kinh chuyển và chuyển Kinh rất là quan trọng, bạn không nên Dính vào bất cứ một thứ gì, hãy làm không dấu vết, đó là Trí Tuệ Bát Nhã Ba La Mật tối thượng mà không có gì diễn tả được, chỉ những vị nào khi trải qua, dung nhập vào thì mới có Trí Tuệ này để không bị Kinh chuyển còn lại đa số là bị Kinh chuyển vậy. Ví dụ:

– Như người niệm danh hiệu, có Tánh Phật nhưng không chịu nhận, cứ bám Chấp vào một pháp môn tu, Kiến Chấp “chặt”, khó ai có thể thay đổi…

Thấy Tánh Phật không chịu nhận về cứ mải mê niệm danh hiệu bên ngoài để chờ đến khi mất, được Đức Phật đến “đón”. Mà Tham, Sân, Si, Chấp Ngã… thì không chịu “Buông bỏ”, luôn nghĩ chỉ cần niệm danh hiệu cả ngày là có thể trở về với “Thế Giới Của Chư Phật” thì những trường hợp này được gọi là bị “Kinh chuyển”.

Nên bạn hãy tập để nhận về Tánh Phật của chính mình đó là: “Thấy, Nghe, Nói, Biết” và Dừng. Dùng thêm “Ý Vì Người Khác” là bạn đã chuyển được Kinh Phật tức đồng với Phật. Đây là tu đến chỗ không tu, học đến chỗ không học, chứng đến chỗ không chứng…

Vô Tu Vô Chứng chính là ở chỗ này vậy…

 

TRÍCH QUYỂN: “DÙNG Ý TỐT VÌ NGƯỜI KHÁC LÀ HẠNH PHÚC TRƯỜNG TỒN”
NXB. HỒNG ĐỨC

Bài viết liên quan