SƠ PHÁT TÂM BỒ TÁT LÀ GÌ??? CÁCH HÀNH ĐỂ ĐẾN ĐƯỢC QUẢ VỊ PHẬT LÀ NHƯ THẾ NÀO???

Người mới bắt đầu học Phật muốn trở về với Chư Phật, gọi là sơ địa Bồ Tát hay còn gọi là sơ phát tâm Bồ Đề. Bồ Đề tượng trưng cho Phật, gọi là sơ phát tâm:

– Bậc 1 là Sơ Địa Bồ Tát, bậc thứ 52 gọi là Diệu Giác Bồ Tát…

Sơ Địa Bồ Tát là bắt đầu học “cho đi”, làm không lưu lại dấu vết, làm trong Ba La Mật. Đầu tiên người mới phát tâm Sơ Địa Bồ Tát, bắt đầu học để cho đ nhưng thường phải “tranh đấu” giữa Thiện và Ác, khi nào Thiện thắng thì mới cho đi tự nguyện được. Lần đầu thì tiếc nhiều, các lần sau sẽ tiếc ít hơn, tiếc man mát, buồn man mát một chút, tập hành cho đi đúng chỗ nhiều lần thì sẽ không còn tiếc, cho đi không ngăn ngại giữa ta và người, cho không đối đãi tức không có người cho – người nhận, cho đi vô tư một cách tự nguyện…

Sau này dần quen khi gặp cảnh bạn sẽ làm một cách tự nhiên, vì biết bản Thiện là đúng với quy luật nhân sinh: “Cho đi là còn mãi”, tức cấy nhiều “cây” để sau này hái “quả”. Đây gọi là Bồ Tát sợ “nhân” đi gieo những nhân Thiện lành, gieo nhân Giác Ngộ Giải Thoát để sau gặt được “quả” là về với “Thế Giới Của Chư Phật”.

Còn một số người thì sợ “quả”, chỉ thích đi hái “quả” mà không muốn gieo “nhân”, làm Ác nhưng lại muốn hái “quả” Thiện lành, đi cầu xin, tham lam… chỉ muốn nhận về mà không muốn cho đi. Mà nguyên nhân sanh ra nghèo đói là tư lợi, không muốn cho đi nên không có Phước để khỏe mạnh và giàu có. Vì lòng Tham mà mất dần hết Phước, sức khỏe suy yếu nên bạn cần tập “cho đi” đúng nơi, đúng chỗ để không bị tổn Phước. Đây là một tập khí xấu ác, Kiến Chấp, những kiết sử, tham lam ở trong tàng thức mà nhiều đời nhiều kiếp tích trữ lại để bao bọc, giữ chặt bạn, không cho bạn thoát ra khỏi Luân Hồi.

Nên Sơ Địa Bồ Tát thì chỉ là mới bắt đầu bước vào tập thực hành chứ chưa phải hành đến quả vị Phật. Hành là làm các công việc Thiện lành, không bị ngăn ngại, làm tự nguyện, làm không có đối đãi. Còn nếu làm bằng “Chấp Tôi” thì chỉ muốn ăn ngon, làm thì chọn việc nhẹ nhàng, suốt ngày đi khoe tôi có nhiều tiền, con tôi ngoan, thành đạt, nhà mặt phố, tôi tốt bụng, tôi hiểu biết không ai bằng tôi, làm gì cũng kể công, chuyên đi khoe việc tốt về mình… làm càng ngày càng tăng trưởng Ngã Mạn, chỉ thích Danh và Lợi…

Thế gian gọi là gia trưởng, thích thể hiện… như thế bạn sẽ càng ngày càng “dìm” Tánh Phật xuống sâu, gọi là Vô Minh, Tham, Sân, Si, Danh, Lợi… che khuất đi Tánh Phật. Còn các vị hành Đạo Bồ Tát thì khác, ngủ không chọn chỗ, không ngủ nhiều, không lười biếng, ăn không chọn miếng ngon, không khoe, không soi lỗi người, chỉ khoe lỗi mình, làm tăng trưởng sáng suốt nơi Tánh Phật, khiến Chấp Ngã “chìm sâu” để nhanh về với “Thế Giới Của Chư Phật”. Vì thế, khi bắt đầu hành Đạo Bồ Tát thường chưa “phá” được kiết sử: “Tham, Ác, Tưởng, Kiến Chấp Tôi…” nghĩ “ta đã thành Phật” rồi, không hành cơ bản mà lại muốn thành Phật, do ngạo mạn, Chấp trước, không có người hướng dẫn nên sẽ đi “lạc đường”, vì nghi ngờ, nghĩ xấu người “dẫn đường” vậy.

Như trong Kinh Đức Phật dạy:

– Đi đến đây đa số ai cũng không biết là sẽ đi theo hướng nào nên đều bị sang Ngũ Ấm Ma, xưng nọ xưng kia, mục đích cũng chỉ là Danh và Lợi…

Nên khi hành Sơ Địa Bồ Tát đạo, gặp nghịch cảnh thì phiền não vẫn còn, đến đây bạn cũng không nên buồn mà hãy tập sống với “Thấy, Nghe, Nói, Biết” đầu tiên và Dừng, sống chậm lại để Tánh Biết “luôn Biết”: “là mình đang phiền não”. Thiện Ác tranh đấu nhau, Tánh Phật “Thấy, Biết” chỉ “đứng” nhìn, dùng Ý “lái” theo chiều Thiện để xử lý công việc có lợi cho nhiều người, giúp cho ai ai cũng đều được Giải Thoát Giác Ngộ…

Cuối cùng sẽ “phá tan” được phiền não, lúc này Tánh Nghi làm mình thối chuyển, xa rời người “dẫn đường”, xúi bảo:

– Nghi ngờ “người dẫn”…
– Nghi Pháp này không biết có đúng không???
– Liệu đã có ai thành Phật chưa???

Niệm Nghi bắt đầu xúi tất cả những hình ảnh xấu của “người dẫn đường”. Đưa ra các bằng chứng chỉ chờ bạn xác nhận là đúng, đồng ý với Tánh Nghi rằng người đó không xứng đáng “dẫn dắt” mình. Vậy là Tánh Ác đã thắng Tánh Thiện để dần làm chủ, dẫn đi theo con đường xấu. Cũng như vậy, lúc mới phát tâm Sơ Địa của Bồ Tát thì rất tinh tấn, khó ai có thể làm cho thay đổi sự nhiệt tình của mình. Nhưng sau gặp cảnh nhiều, Nghiệp sổ mạnh nên Ngũ Ấm Ma tác ý, nói xấu người “dẫn đường” làm bạn thối chuyển, không dám đi đến hết con đường đã chọn.

Rồi đi xưng nọ xưng kia, chứng nọ chứng kia mà còn chưa “phá” được Kiến Chấp, Ngã Mạn, “Chấp Tôi” của mình. Lúc nào cũng nghĩ:

– Tôi tu giỏi…
– Tôi hiểu biết nhiều, không nghe bất cứ ai…

Nên muốn thử biết là mình đã Vô Ngã chưa??? Thì khi gặp cảnh bị người khác nói xấu, mắng chửi bạn, bạn hãy thử xem nơi mình có bực tức hay không??? Nếu bực tức, tức tối… thì “Chấp Ngã” còn nguyên vẹn, vì bạn đang dùng “’Khởi” của Chấp Ngã, không chịu dùng Tánh Phật. Cách sử dụng Tánh Phật sẽ là:

– Dùng Tánh Biết để “Thấy” “Chấp Ngã”, không buồn theo phiền não, không kéo tâm trạng của mình đi theo buồn phiền. Thì đây gọi là đang dùng Phật Tánh nhưng chưa thuần thục, trải qua nhiều cảnh, phiền não sẽ hết dần đến khi không còn phiền não…

Vậy nên, nghịch cảnh là một loại nước tưới cho “cây” tươi tốt, bạn hãy cảm ơn nghịch cảnh vì đã giúp bạn tập thuần thục để ra “quả” sớm hơn, trở về bản thể tự nhiên nhanh hơn. Những vị Sơ Địa Bồ Tát phát tâm mà bị người đời chửi bới, nói xấu thì thường là do Nghiệp quá khứ nhiều, nếu vị này có lòng tin vững chắc, kiên cố không thối chuyển thì sau một thời gian sẽ nhanh giảm Nghiệp.

Vậy nên, những Kiến Chấp, phiền não của quá khứ đều phải tập thực hành nhiều lần mới “giảm bớt” được. Có nhiều nghịch cảnh, bị mắng chửi càng nhiều, vừa là họ gánh đỡ Nghiệp cho mình, vừa là bạn có cơ hội để “phá” những Kiến Chấp, phiền não, Ngã Mạn càng nhanh. Nên bạn không nên buồn mà ngược lại nên vui, phải cảm ơn nghịch cảnh thì bạn mới biết được bạn đang đi đến “đoạn đường” nào.

Khi tất cả “tàng thức” được “dọn” ra hết, sẽ còn lại bản Thiện của Tánh Phật thuần thục, lúc đó không còn vi tế Ác, bạn chỉ dùng Ý “Thấy, Nghe, Nói, Biết” “lái” suy nghĩ theo chiều tích cực để giúp cho nhiều người Giác Ngộ Giải Thoát. Khi chưa thuần thục, tàng thức “tuôn đổ”, bạn tập chỉ “Thấy, Biết”, Biết Tưởng, không đi theo Tưởng, không Dính vào Tưởng. Ví dụ:

– Tưởng quá khứ người này chửi, người kia chửi mà không phiền não theo Tưởng, Tưởng có xấu ác cỡ nào cũng không muộn phiền, không chạy theo Tưởng để rồi phiền não, bạn tập “Thấy, Biết” như “ống nhòm” nhìn qua khe cửa. Cứ cho tuôn đổ trong tàng thức, không cần khởi “Ý“ lên, để đối đáp với những Tưởng đó, không chặn đè nén, cứ để Tưởng “tự nhiên tuôn đổ” trong tàng thức, chỉ việc dùng “Thấy, Biết” đứng “nhìn” niệm Khởi cho đến khi sạch sẽ.

Khi “tuôn đổ” hết Tưởng trong tàng thức ra ngoài thì chỉ còn Tánh Phật, khi gặp nghịch cảnh, khởi ra Tưởng tức là suy nghĩ, do đó bạn hãy suy nghĩ theo chiều tích cực. Ví dụ:

– Khi thực hành, gặp cảnh người nào đó mắng bạn, bạn chỉ Nghe, dung nhập vào lời mắng đó. Không nên khởi “Tôi bị mắng” thì bạn sẽ không bị tức, còn nếu Khởi thì sẽ suy nghĩ theo chiều tích cực, nghĩ tốt, thân thiện lại với họ thì sẽ không còn Thiện Ác tranh đấu với nhau…

Khi bạn hành quen sẽ không còn đối đãi giữa tôi và người, bố thí Pháp môn kỳ diệu, giúp người khác Giác Ngộ Giải Thoát mà không cần đến Danh Lợi, không có người cho Pháp và người nhận Pháp, gọi là Diệu Giác Bồ Tát, là quả vị thứ 52. Phần đời còn lại chỉ đưa pháp môn kì diệu tới những ai tha thiết Giác Ngộ Giải Thoát. Khi bỏ báo thân này bạn sẽ trở về với nơi “Thế Giới Của Chư Phật”. Ví như:

– Những kiếp Đức Phật đang hành đạo Bồ Tát, vì đàn hổ đói mà Đức Phật bố thí cả tấm thân này cho hổ ăn…
– Rồi Ngài Huệ Khả “hiến” cả cánh tay để cầu pháp với Tổ Bồ Đề Đạt Ma…
– Chuyển Kinh Sách từ Ấn Độ sang các nước, có vị còn rạch cả tay để dấu Kinh Sách, âm thầm phổ biến đi khắp nơi nơi…

Nên người tu trở về với Thế Giới Chư Phật thì nên mạnh mẽ, không nên yếu đuối, không thối chuyển, không nghi ngờ “người dẫn đường” đúng Chánh Pháp cho mình, không Chấp, không trụ, không tích trữ tiền của, không dính mắc nhà cửa, đất đai con cái… thì sẽ dần đi được tới “đích” của bạn.

Bắt đầu hành Sơ Địa Bồ Tát thì phải học Nhân Quả để “sợ” Nhân Quả, học cách cho đi không tiếc, học làm không lưu lại dấu vết, hành bằng Trí Tuệ Ba La Mật, không muốn ai biết đến mình, học nghĩ tốt cho người khác, học làm Thiện mỗi ngày. Học ghi hằng ngày niệm Thiện một bên, niệm Ác một bên. Bằng cách dùng hai loại đỗ đen và đỗ trắng cho vào 2 lọ đến khi nào giảm bớt được niệm Ác thì mới thôi.

Bạn chỉ dùng Ý Thiện để làm việc Vì Mọi Người, giúp người khác Giải Thoát Giác Ngộ. Những lúc thời gian rảnh rỗi, cảnh đến nhiều, phiền não, Tưởng nhiều… thì mở xem phim Phật Pháp, học tấm gương của các vị Phật đi trước để nơi mình không còn phiền não. Cách này cũng là cách “đối trị” phiền não, giảm bớt các kiết sử, thay thế bằng các hạnh nguyện của các vị Phật, Bồ Tát thông qua các bộ phim Giác Ngộ Giải Thoát. Để tiếp tục đi tiếp không bị thối chuyển…

Bởi người không tu hành thì không sao nhưng người tu tập phát tâm hành để về với “Thế Giới Chư Phật” thì bên cạnh luôn có 50 loại Ngũ Ấm Ma chuyên đẩy các niệm Xấu Ác, xúi bạn đi theo con đường Danh Lợi, bạn chỉ cần gật đầu đồng ý, Khởi lên thích là bạn sẽ bị Dính những thứ đó. Đây cũng chính là “cánh cửa” mở ra để Ngũ Ấm Ma “chui” vào chiếm mất Tánh Phật Thanh Tịnh tự nhiên của bạn. Vì thế, bạn có Tánh Phật “Thấy, Nghe, Nói, Biết” chân thật thì bạn hãy tập lúc nào cũng “Biết” từng niệm xúi hay tác ý hoặc bạn Khởi lên niệm gì thì bạn tập “Biết” rõ ràng từng niệm đó để đến khi nào bạn tập cho thuần thục thì bạn mới thôi…

 

TRÍCH QUYỂN: “DÙNG Ý TỐT VÌ NGƯỜI KHÁC LÀ HẠNH PHÚC TRƯỜNG TỒN”
NXB. HỒNG ĐỨC

Bài viết liên quan