NGƯỜI HỌC PHẬT CÓ NÊN THẢO MAI HAY KHÔNG???

Người học Phật mà thảo mai thì rất khó có thể đi đến hết con đường.

Vậy thảo mai là gì???

Thảo mai là bên ngoài thì nói một đằng, trong lòng thì nghĩ một nẻo. Ví dụ:

– Khi gặp khách thoạt đầu có vẻ rất đon đả rồi mời khách ở lại chơi, ăn cơm nhưng khách không ở lại thì bắt đầu trở mặt:

+/May quá không ở lại ăn cơm nếu không thì lại tốn tiền…

Trường hợp như vậy gọi là thảo mai, sống không thật…

Hoặc:

– Tự nguyện nấu cơm, lau quét nhà, giặt giũ, làm mọi việc… thì trong ngoài nhất tâm. Còn nếu làm thể hiện cho người ngoài nhìn vào để thấy sự nhiệt tình, hăng say thì là làm nhiệt tình theo Danh Lợi, có mục đích, không phải là làm tự nguyện…

Còn lời nói cũng vậy, nói không giống trong lòng, bên ngoài thì nói ngọt tai, nịnh hót, dễ nghe nhưng trong lòng thì lại nghĩ khác…

Đây là những trường hợp gọi là thảo mai, bên ngoài miệng thì khen người khác tốt nhưng trong lòng thì lại nghĩ xấu, tìm đủ mọi cách để hại người, nhìn bề ngoài như không có chuyện gì vậy. Những trường hợp tu tập như thế, trong đạo gọi là gian dối, lươn lẹo, dùng “Chấp Tôi” quá nhiều để tu, trong ngoài không đồng nhất nên người xưa mới để lại câu:

– Ai cũng mũi dọc mày ngang
– Lòng phàm lòng Thánh, cách xa muôn trùng…

Bởi vậy tu tập trong Đạo, chỉ cần trong sáng, chân thành, khiêm tốn, không thảo mai… Làm người xấu ở ngoài đời còn rất khó chấp nhận, huống chi bạn đang tu tập để trở về với “Thế Giới Của Mười Phương Chư Phật” thì không thể dùng “Tâm Giả Dối” được vậy.

Cho nên, bạn thường tự mình đặt ra vấn đề để rồi tự mình đi giải quyết vấn đề. Nói dối một câu rồi đi sử dụng cả ngàn câu để che đậy đi sự nói dối. Cũng như vậy, một hành động để thể hiện bản thân, muốn được mọi người ca ngợi thì bạn đang che đậy cho “Chấp Tôi” để khiến cho bạn càng ngày càng phiền não.

Tu Đạo là tu tập ở trong lòng, “làm sạch Chấp Tôi” của mình. Ví dụ:

– Thấy một người đang thực sự bị ngã thì Tánh Phật “Thấy, Biết” như vậy, bạn tập dùng “Ý Vì Người Khác” để giúp đỡ thì được gọi là Ý trong Tánh Phật. Còn khởi lên:

+/Họ ngã thì liên quan gì đến mình, cứ mặc kệ họ…

Đây là suy nghĩ của “Chấp Tôi”, “Chấp Ngã”, ấp ủ phiền não lâu ngày thì rất dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”. Nên bạn chỉ cần có sao nói vậy, trong ngoài đồng nhất như nhau. Nếu tập được thuần thục “Thấy, Nghe , Nói, Biết“ gặp nghịch cảnh hay thuận cảnh trong lòng không động, chỉ dùng Ý Tốt cho những cảnh đó thì bạn sẽ tự an lạc một cách tự nhiên.

Trong cuộc sống hàng ngày, bạn không nên khoe “Tôi Thanh Tịnh”, “Tôi khác trước”, “Tôi vui vẻ”…. mà bạn hãy tập khiêm tốn, bởi rõ ràng bạn có 2 thứ:

– Thật và giả…

Tánh Biết là gốc của “chân thật” là “chân thật” của bạn, đang “Biết” “Chấp Tôi An Lạc”, “Chấp Tôi” giả tạm của mình. Vì vậy, trong kinh Kim Cang Đức Phật có dạy:

– Thấy mình có chứng đắc thì không phải thật chứng đắc, thấy mình tu thì không phải thật là tu… Làm không dấu vết, Ba La Mật, làm không muốn ai biết đến thì mới đúng với Kinh Kim Cang, phá các loại Chấp…

Nên nếu vị nào mà xưng “Tôi thành Phật” thì không phải “Phật thật” mà là “Phật Giả”. Nếu khoe ra bên ngoài thì một lúc sau sẽ không còn “chân thật” nữa, vì oan gia, các thế lực Ma Vương sẽ lấy mất “Tánh Phật” của bạn. Vậy Ma Vương là gì?

Đó là: Tham, Sân, Si , Mạn, Nghi, Ác, Kiến… trong “Chấp Tôi” của bạn. Hàng ngày bạn tập dùng “Ý Vì Người Khác”, luôn muốn Tốt cho người khác, thực hành như vậy là bạn đang tập hoàn thiện để trở về với “Tánh Phật” của mình.

Không dùng Tánh Phật mà lại đi dùng “Chấp Tôi”, dùng Ý có lợi cho mình, tham Danh, tham Lợi, suy nghĩ xấu ác nhiều… ham muốn không được thì phiền não, đồng nghĩa với việc bạn sẽ sang “làm quân” cho bên Ma Vương.

Ngược lại, vẫn dùng “Chấp Tôi” nhưng mượn “Chấp Tôi” để sử dụng tạo Công Đức, giúp người khác Giác Ngộ, Giải Thoát thì việc bạn làm là đúng. “Chấp Tôi” chính là Tánh Ác – Tánh Xấu, dần dần không được như ý thì sinh ra “tẩu hỏa nhập ma”, đi làm những việc phạm pháp, trái với thuần phong mỹ tục…

Nên ai cũng hướng Thiện, không để lòng Tham trỗi dậy… thì sẽ không có chiến tranh. Ăn thì có ba bữa, ngủ thì có vài chục mét vuông, biết đủ thì đó là hạnh phúc để lòng Tham không trỗi dậy.

Nếu lòng Tham trỗi dậy thì cả Trái Đất này cũng không đủ so với lòng Tham vô đáy. Bao nhiêu tấm gương tham lam, cướp của… đều đã phải đi vào tù. Chỉ vì lòng Tham mà sinh ra chết chóc nên bạn hãy chung tay, cùng gìn giữ cho Trái Đất xanh để cùng bảo vệ cho cuộc sống của tất cả muôn loài….

 

TRÍCH QUYỂN: “DÙNG Ý TỐT VÌ NGƯỜI KHÁC LÀ HẠNH PHÚC TRƯỜNG TỒN”
NXB. HỒNG ĐỨC

Bài viết liên quan