Đức Phật dạy:
– Hãy tập “giảm bớt” những Chấp Ngã, Chấp Tôi của mình, “giảm bớt” Thọ, Tưởng, Hành, Thức, Tài, Sắc, Danh, Thực, Thùy, Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác, Kiến thì còn lại là bản Thiện vốn có sẵn tại nơi ta…
Bởi vậy, khi ở Thế Giới này bạn lấy bản Thiện ra để đối đáp với anh em, bạn bè, họ hàng… thì gọi là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín sau đó giúp cho mọi người Giác Ngộ Giải Thoát để về “nhà xưa”, về với Thế Giới Của Mười Phương Chư Phật. Thế nhưng có nhiều người lại hiểu sai những lời dạy của các vị Phật, Tổ, ví dụ:
– “Vô Tâm Chớ Hỏi Thiền” của Phật Hoàng Trần Nhân Tông thì hiểu nhầm là gặp người hoạn nạn không cần cứu, bởi vì mình và họ không có liên quan…
Mà Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã từng dạy:
– Trong nhà có báu không xài: Cứ đi lang thang, tìm kiếm bên ngoài mà ngay tại nơi mình vốn đang có sẵn “Ngọc Quý” hay còn gọi là Tánh Phật…
– Gặp cảnh “Vô Tâm chớ hỏi Thiền”: Đây là lời dạy của Ngài khi gặp những cảnh mà bạn cảm thấy trái ý thì nên dùng Tánh Phật “đỡ lại”, tức không phiền não…
Những gì người khác nói xấu, bạn không Chấp. Những gì Xấu Ác, bạn không làm. Tất cả những gì mà có hại cho người khác đều không được làm. Chứ không phải gặp người khó khăn bạn không giúp đỡ, làm như vậy sẽ thành là vô tâm, là “cây khô đá chết”. Nếu vậy thì Phật Hoàng Trần Nhân Tông đâu cần phải đi đánh giặc để cứu muôn dân, Ngài vì dân vì nước mà bỏ cung vàng điện ngọc, dẹp yên bờ cõi, đó là tình yêu bao la rộng lớn, tức Ngài sống với Ý “Vì Người Khác”, có một tấm lòng Từ Bi vô bờ bến vậy.
Ngài không suy nghĩ Ác, vì còn Ác thì sẽ có Thiện nhưng Ngài luôn sống bằng Tánh Phật, là tâm Tự Nhiên Thanh Tịnh, không tính toán Thiện – Ác, làm với Ý Vì Người Khác mà làm. Đây là Ngài sống bằng Tánh Phật, không Ngã Chấp… vì vậy ai có nói xấu Ngài, Ngài cũng không động hay gọi là vô tâm, tức là tâm không động, không phiền não với những cảnh xấu. Vô tâm tức không có não phiền, không có Chấp, không có làm Ác, không có tính toán Thiện, không có Chấp là làm Thiện, không kể công, những gì tư lợi cá nhân thì không có làm. Vì Ngài suy nghĩ và làm việc cho người khác, cho nhân loại, cho cả nước thì Ngài tính toán gì đây??? Là Ngài dùng Tánh Phật còn bản Thiện tự có sẵn trong Tánh Phật, Ngài lấy ra dùng để sống với Ý Vì Người Khác…
Vì bản Thiện vốn có sẵn trong Tánh Phật, chỉ mang ra dùng nên không còn vi tế Ác nào tư lợi cá nhân cho mình để hãm hại người khác, không phạm bất cứ điều gì nên không có tu chứng đắc gì cả. Nhưng có một số trường hợp đi thực hành hiểu theo chiều khác, đó là vô tâm, tức không có ai liên quan tới ai thì không cần cứu giúp, không cần làm Thiện, vì làm Thiện thì sẽ lên cõi Trời. Nên sống và hành chỉ thu nhỏ lại ở trong nhà, nếu làm như vậy thì các Đức Phật, Bồ Tát… đâu phải đi độ hóa cho nhiều người, bởi các Ngài sống cả đời vì chúng sinh, muốn chúng sinh thoát khỏi khổ đau phiền não, không quản ngại đường xá xa xôi để đi độ hóa cho nhiều người.
Nên tất cả các vị Phật, Bồ Tát hoặc như Phật Hoàng Trần Nhân Tông nếu không cần cứu giúp ai thì Ngài đâu cần phải đi dẹp giặc. Vô tâm là không dùng 16 thứ Tánh Ác của Chấp Tôi còn bản Thiện Ngài lấy ra dùng là nằm trong Tánh Phật, giống như câu:
Không ngờ tự Tánh vốn Thanh Tịnh
Không ngờ Tự Tánh vốn tự đầy đủ…
Không ngờ Tự Tánh vốn hằng sanh muôn Pháp…
Các vị Tổ khi Ngộ được Phật Tánh nên đã thốt ra như vậy, bỏ Tham thì diệu dụng của Tánh Phật là hay đi cho đúng người hay giúp người khác Giác Ngộ Giải Thoát nên Bồ Tát trong sáu phần thì bố thí là hàng đầu, tức là hay cho đi. Thế nhưng có một số trường hợp lại nghĩ cho đi nhiều, làm Phước nhiều thì sẽ lên cõi Trời, không về được với cõi Phật.
Cho nên, bạn gặp hoàn cảnh nào cần giúp đỡ thì vẫn giúp đỡ bình thường, như:
– Đi trên đường thấy viên đá giữa đường, nếu đủ điều kiện an toàn thì dừng lại để nhặt sang một bên…
– Thấy các con vật như cá, tôm, chim chóc… bị mắc kẹt thì gỡ ra giúp, đây cũng gọi là Phóng Sinh vậy…
Còn rất nhiều trường hợp xảy ra trong cuộc sống nên là Đệ Tử của Phật cần sử dụng Trí Tuệ để cân nhắc, xem việc nào nên làm và việc nào không nên làm. Ở Thế Giới này là dùng bản Thiện để cứu người, giúp đời, giúp người Giải Thoát Giác Ngộ, “Buông bỏ” hết những Tánh xấu Ác, bỏ Ác thì sẽ còn Thiện để đối nhân xử thế trên đời. Như cha mẹ sinh ra bạn thì bạn cần báo hiếu chứ sao lại sợ thế này thế kia, nhập gia tùy tục tức là đến gia đình nhà nào, họ làm gì thì mình làm đấy, chỉ có phần sát sinh, những việc mê tín dị đoan, việc Ác sai trái vi phạm Pháp Luật là không thể dung nhập được. Còn những việc Thiện tốt, giúp người Giác Ngộ Giải Thoát thì bạn có thể dung nhập hoặc những tiếng ồn, những tiếng chửi mắng, bạn có thể dung nhập để không bị Khởi lên Chấp Tôi oán thù, gây nên trách móc người khác…
Trong cuộc sống, khi bạn gặp cảnh trái ý, bạn không nên gieo oán thù để tránh tạo Nghiệp xấu nên có Chánh Kiến rõ ràng, thấy sai thì gắng sửa, người khác sai nếu họ nghe lời thì thay đổi họ để cho họ đi đúng đường, đây không phải là xen Nhân Quả mà là cứu giúp người khác. Biết người khác Tà dâm, đi với người thứ ba, nếu họ nghe bạn thì khuyên họ không được Tà Dâm, tức nằm trong 5 giới cấm của nhà Phật, nếu không giữ còn không được làm người. Mà có trường hợp còn nghĩ, cứ dùng Chấp Tôi, Chấp Ngã thoải mái, miễn sao có Công Đức là được. Bạn hiểu như thế thì thật là sai lầm, bởi khi nào bạn không phạm giới nào thì bạn mới không cần giữ giới, còn bạn nên có Chánh Kiến là làm tất cả những gì không xấu Ác, đúng với Pháp Luật, còn những gì giới cấm của Đức Phật thì không được phạm thì bạn mới là “Không Tu Không Chứng”, không giữ giới mới thật là giữ giới vậy.
Gần như đa số những trường hợp vi phạm là hay bị vào giới Tà Dâm, nhiều người khuyên bảo chia sẻ thì bị ghét, đố kỵ, hận thù, bôi xấu người khuyên bảo… để bảo vệ lý lẽ của mình là đúng, những điều này là hoàn toàn sai với Đạo, là Cực Ác. Cũng giống như các món ăn, một ngày bạn thích ăn món gì nhất thì bạn sẽ ăn, còn mọi người có thể cho bạn rất nhiều món nhưng bạn có quyền lựa chọn. Vì vậy, trong tất cả các niệm Ác đưa tới, xui nói xấu, xui kiếm tiền, xui Tham, xui nói dối, Tà dâm, uống rượu, xui chia rẽ, xui chỗ này tu không đúng… nếu bạn không phân biệt rõ ràng thế nào là đúng sai, điều gì nên làm, điều gì không nên làm mà bạn đi nhận hết các niệm Xấu Ác, hành động theo những điều này thì bạn là người không có Trí Tuệ. Vì bạn không dùng Ý Biết sáng suốt để làm những việc sáng suốt mà chọn những việc làm sai trái, không đúng với Luật Pháp. Cho nên, bạn hãy tập giúp đỡ mọi người đang gặp khó khăn, khi họ hết khó khăn thì bạn giúp họ Giải Thoát, những niệm giúp người Giác Ngộ Giải Thoát là những “món ăn” thường xuyên trong ngày, giống như không thể thiếu “món ăn” như là cơm vậy. Bạn gắng tập là những người khiêm tốn, ăn nói nhẹ nhàng… thì bạn đưa Pháp người khác mới chấp nhận, còn bạn khi nói sân si, sống không đạo đức, sống Ác… thì không ai đón nhận những lời chia sẻ từ bạn…
Vì vậy, bạn nên hiểu đúng những cốt tủy của Đạo Phật, như:
– Bỏ Ác hành Thiện…
Một việc Ác nhỏ không làm, một việc Thiện nhỏ nên làm, làm sao cho thuần thục Thiện để sau còn giúp nhiều người Giác Ngộ Giải Thoát, bởi bỏ Ác thì còn lại là Thiện mà bạn không làm Thiện, không làm gì cả thì bạn sẽ là người “như như”, là cây khô đá chết… giống như nấu ăn không tập trung thì sẽ bị cháy nồi vậy. Bạn không chịu dùng Ý Tốt giúp người Giác Ngộ Giải Thoát, giúp đời giúp người mà giúp đời giúp người thì là Thiện, giúp người Giác Ngộ Giải Thoát là Công Đức nên bạn không giúp đời giúp người thì bạn cũng không thể giúp người khác Giác Ngộ Giải Thoát được. Như thế, bạn chỉ còn lại là như như, gặp nhau chỉ cười, không nói gì cả, nếu vậy Đức Phật đâu cần phải đi thuyết Pháp 49 năm để có được Kinh Sách đưa các vị Tổ truyền lại cho hậu thế…
Do đó, bạn không nên hiểu lầm, hiểu sai, nếu đang sống trong thể như như, như “cây khô đá chết”, bạn cần thay đổi cách suy nghĩ, đừng cố Chấp, bám víu vào một vấn đề gì mà bạn cho là đúng. Bạn cần có Trí Tuệ để soi xét, nếu chỉ học một chữ thì các Tổ ngày xưa như Lục Tổ Huệ Năng, Ngài ngộ Đạo đã rõ Biết Tánh Phật mà Ngài vẫn phải thực hành trong đội thợ săn mười mấy năm mới dám đi nói Pháp. Hoặc như các vị Phật, Bồ Tát…, đều phải nhận về Tánh Phật: “Thấy, Nghe, Nói, Biết” đầu tiên và sử dụng Ý Tánh Phật thuần thục, thì mới đi hóa độ cho muôn loài. Khi đó, các Ngài đã sống hoàn toàn bằng Vô Ngã, tức không bị Chấp Tôi xúi giục xui khiến để không tạo ra hành động của Chấp Ngã, tư lợi cá nhân về cho mình thì khi đó các Thầy mới đi nói Pháp. Vậy mà một số trường hợp bây giờ, mới học được mấy chữ Giác Ngộ đã xưng “Tôi” là Phật, là Tổ… mà trong Kinh Kim Cang có dạy:
– Người nào tự xưng mình là Phật, Tổ, Bồ Tát… thì người này là Tà, không phải là Chánh…
Bạn Thấy những gì không Thấy, Nghe những gì không Nghe, Biết những gì không Biết thì đó chính là Tánh Phật không hình tướng, không lưu lại dấu vết, không muốn ai biết đến, không tự xưng, không bị Chấp Tôi xui khiến Danh Lợi, không còn Ngã Chấp – Kiến Chấp, bản thân nóng lạnh tự Biết, Biết mình Biết người. Dùng Ý chỉ đạo làm những việc có lợi ích cho đời, giúp người Giác Ngộ Giải Thoát chứ không phải như một số trường hợp bây giờ hiểu sai rồi dẫn cả đội nhóm đi sai. Bởi chỉ thích làm Trưởng nhóm, chưa nhận về Tánh Phật, chưa dùng Tánh Phật mà dùng Chấp Tôi, bị niệm Danh xui khiến, nên dùng Chấp Tôi, dùng Tưởng, suy nghĩ Kiến Chấp của mình để nói Pháp theo Ý hiểu của bản thân, ngăn cản những người khác đến với Chánh Pháp. Những trường hợp này Nghiệp rất là nặng, do đó ngoài đời còn có rất nhiều người đến nơi tu hành chỉ thích làm Tổ trưởng, người đứng đầu… để được ngồi trên cao, đến nơi tu hành còn tranh nhau hơn thua, Chấp Trước, như:
– Tôi được phân công, tôi to hơn chức của người khác…
– Tôi tu giỏi hơn người khác…
– Tôi việc gì cũng giỏi hơn người khác…
Thì những trường hợp này là lấy Chấp Tôi, Chấp Ngã ra để tu, dùng Tánh Danh của Chấp Tôi thì là đại Ác, chứ không phải dùng Tánh Phật Thấy – Nghe – Biết, sử dụng Ý trong Tánh bản Thiện để làm việc nơi Thế Gian. Chưa nhận về Tánh Phật mà muốn làm Tổ Trưởng… thì đây cũng là Tánh Danh, đại Ác, nếu Biết kiểm soát được Tánh Danh thì bạn đã không muốn làm Tổ Trưởng, không thích đứng đầu, không thích nói Pháp… bởi nói Pháp nếu vì Chấp Ngã thì rất nguy hiểm. Còn dùng Chấp Tôi, tức dùng 16 thứ Tánh Ác của Chấp Ngã rồi đi dẫn người khác đi sai thì lại càng nguy hiểm hơn. Nên bạn cần cẩn thận trước khi nói, vì Khởi tâm động niệm đều tạo Nhân Quả, bạn tập sống trong Tánh Phật rồi chỉ đạo suy nghĩ Tưởng đúng, theo Tánh Thuần Thiện của mình để làm việc giúp người khác Giác Ngộ Giải Thoát. Rồi tập dần “bỏ” những Tưởng tiêu cực, Tưởng sai, Tưởng phiền não, Tưởng có ích lợi cho mình, Tưởng ích kỷ, Tưởng 16 thứ… những thứ Tưởng này không có đem lợi ích gì đến cho bạn. Bạn cần bỏ những suy nghĩ Tưởng Ác thì còn Thiện, bỏ Chấp Ngã thì còn Chân Ngã – Chân Thiện, bỏ Tham thì bố thí, bỏ sân si thì còn lòng Từ Bi, bỏ 16 thứ Tánh Xấu của Chấp Tôi thì còn Chân Như, tức Tánh Phật của chính mình vậy.
Bạn bỏ Tưởng xấu, dùng Tưởng Thiện thì mới đúng với chân lý của Đức Phật. Nên dùng Tưởng suy nghĩ tích cực lương Thiện, là bản Thiện của Tánh Phật, để giúp người Giác Ngộ Giải Thoát, suy nghĩ giúp người Giác Ngộ Giải Thoát thì càng suy nghĩ bạn càng Thanh Tịnh một cách tự nhiên. Bởi vậy:
– Hành mà không Chấp hành, mới thật là hành…
Giống như khi xưa có một vị hỏi Tổ rằng:
– Tu được đến chỗ không tu và không làm gì thì có đúng không???
Tổ bảo:
– Nếu không làm gì cả, là không đúng, như vậy thì sẽ chui xuống hố. Mà là làm không Chấp vào làm mới thật là làm để về với bản thể Chân Như của mình đó chính là Tánh Phật…
Không làm tiêu cực, chỉ làm tích cực, không Chấp tiêu cực – tích cực, tức là không Chấp đúng, không Chấp sai, không Chấp Kinh điển, không Chấp Thầy, không lưu lại dấu vết… Ở thế gian này, cũng như trong lòng, bất cứ thứ gì cũng không nên Chấp. Không Chấp, không phải là không có gì, không tu tập gì, không làm Thiện gì, không hành gì, không giúp gì… mà là không Chấp, không dùng Chấp Ngã… nên mới nói – nói được, Thấy chỗ không Thấy, Biết chỗ không Biết… mới đúng với chân lý của nhà Phật…. Do đó, bạn làm gì nhưng cuối cùng mà về với bản thể “Không”, giống như Đức Phật đã từng dạy thì mới đúng, tức là không phiền não, không Chấp Ngã… ở chính tại nơi Thế Gian…
TRÍCH QUYỂN: “NGÃ CHẤP LÀ GÌ??? CÁCH SỬ DỤNG VÔ NGÃ VÀO TRONG CUỘC SỐNG”
NXB. HỒNG ĐỨC