Người tu Đạo không phải là lên núi để trốn cảnh hay ngồi Thiền dụng công để thành Phật mà trong cuộc sống hãy tùy duyên, sống tốt từ trong gia đình cho đến ngoài đời, luôn dùng Ý “Thấy, Nghe, Nói, Biết” để làm lợi ích cho nhân sinh, gọi là hành với Ý trong Tánh Phật. Còn nếu lên núi ngồi Thiền để tu thì chỉ là né duyên, tức không gặp cảnh thì sẽ không có duyên để xem “Chấp Ngã” nơi mình “Khởi” lên như thế nào???
Khi bạn ở gia đình hoặc ra xã hội sẽ có nhiều cảnh đến như:
– Bị coi thường, bị mắng chửi… mà bạn không thấy hổ thẹn, không oán giận họ… thì lúc bấy giờ bạn mới hành đúng với lời của Đức Phật dạy.
Nên bạn ở đâu hãy dung nhập ở đấy, chỉ dùng “Ý Thấy, Ý Nghe, Ý Biết, Ý Muốn Nói Nói Được”, dùng với “Ý Vì Người Khác” để thuần thục trong mọi hoàn cảnh. Ví dụ:
– Một em bé từ khi mới sinh ra không có tu, không ngồi Thiền, không niệm Phật… nhưng em bé vẫn có Tánh Phật, vì:
+/Em bé mới 2 tháng tuổi mà đã Biết: “Được bế vẫn thích hơn là nằm một chỗ”. Em bé Biết nên chỉ cần khóc to là sẽ có người đến bên cạnh. Hoặc nếu bị mắng em bé cũng biết tủi thân, vậy là từ lúc còn bé, em bé đã “Biết”, nhưng chẳng qua là chưa thể hiện ra bên ngoài mà thôi. Bởi em bé bị đánh sẽ “Biết” đau, đùa vui em bé “’Biết” cười, tức là em bé có Tánh Biết của Tánh Phật: “Biết đau, Biết buồn, biết vui” nhưng vì còn bé nên chưa được học để thực hành với “Ý Vì Người Khác” nên hay khóc, làm nũng với người lớn.
Chính vì vậy, từ một em bé đã có Phật Tánh nhưng chưa sử dụng còn bạn nhìn thấy các cảnh… tức là bạn cũng có Tánh Biết, bạn nên sử dụng vào trong cuộc sống hằng ngày, bởi Ý luôn dẫn đầu, Ý tạo tác, Ý hành động, Ý gây nghiệp, Ý dẫn đầu các Pháp, Ý điều khiển thân, Ý làm lợi chúng sinh, Ý có thể hại nhiều người… Tất cả là do bạn quyết định lấy Ý nào để tu tập thực hành, học sẽ có công thức chứ không phải bạn lạy lễ, ngồi Thiền hoặc lên núi. Tất cả đó chỉ là thân mà thân thì chỉ là phương tiện của Ý, Ý tạo tác, Ý điều khiển thân, Ý dẫn đầu… nên bạn hãy dùng Ý hiểu biết của mình để làm lợi ích cho nhân sinh, dùng “Ý Vì Người Khác” để tập cho đến khi thuần thục, đồng nghĩa bạn đang hành đúng với Chánh Pháp của Đức Phật.
Còn bạn tránh cảnh trần, trốn né các cảnh, lên những khu vực vắng vẻ không có người để ở thì sẽ không biết tâm mình ra sao, lúc đó đôi khi còn nhầm tưởng, bản thân đã đắc đạo thành Phật. Nên muốn về với “Thế Giới của Chư Phật” thì bạn hãy sống tốt từ gia đình cho đến xã hội, không né cảnh trần, khi gặp nghịch cảnh mà bạn không phiền não, gặp thuận cảnh mà bạn không dính cảnh. Gặp cảnh phức tạp, người càng chửi bới nhiều bao nhiêu thì giống như “nước” tưới vào cây thì cây càng nhanh tốt…
Nên các vị muốn thành Đạo đều phải xuống trần gian thì mới tu tập thành Phật được. Chứ ở các cõi Trời là nơi để hưởng Phước nên sẽ khó cho việc giúp đỡ cho nhiều người Giác Ngộ và Giải Thoát. Bởi dưới nhân gian sẽ có nhiều “đất” để cho bạn “trồng cấy” nhân Phật, vì vậy nếu bạn né cảnh thì bạn sẽ không có cơ hội để “cấy trồng”.
Bạn càng dụng công tu hành thì bạn sẽ chỉ làm tốn thêm thời gian. Bạn ngồi Thiền, bắt ép cho thân tâm Thanh Tịnh, vậy là bạn không còn có cơ hội “gieo trồng nhân Phật”. Bạn trốn, né cảnh thì bạn giống như một cây khô, không có bùn, không có đất… để rồi dần tàn úa. Bạn hãy bỏ những Kiến Chấp, cho ta là đúng, suy nghĩ đúng, hành động đúng, bởi Kiến Chấp là sai, trong cuộc sống ít có thứ gì mà hoản hảo được hết, tất cả đều thuận theo quy luật của Nhân Quả.
Có đúng thì ắt có sai, như thế giới vật lý nếu có âm thì tự nhiên sẽ có dương. Ví như:
– Thời của Lục Tổ Huệ Năng, có một số huynh đệ nói xấu với Ngài rằng: “Nhìn ông bán củi, ông giã gạo này thì làm sao có thể học sâu hiểu rộng để mà làm Tổ được”, đến khi Ngài được truyền y bát để tiếp nối công việc hoằng dương Chánh Pháp của các Tổ đi trước thì các huynh đệ mới thấy hổ thẹn vì những suy nghĩ phân biệt, đố kỵ của mình…. Vì lúc đó các huynh đệ chỉ tôn sung Ngài Thần Tú là tài giỏi nhất, đó cũng là Kiến Chấp, Chấp Ngài Thần Tú giỏi, còn coi thường Ngài Lục Tổ là vì Ngài không biết chữ…
Nên muốn về với bản thể Phật Tánh thì không nên Chấp vào những kiến thức của mình, bởi đó tựa như những “bức tường”, che chắn hết sự sáng suốt của Tánh Phật. Biết tự nhiên là Tánh Phật còn Khởi lên bằng những hiểu biết, kiến thức của mình thì giống như “mặt trời” mà đang bị “’mây che”…
Vì vậy, muốn về với “Thế Giới Chư Phật” thì đều phải thực hành ở thế gian, do đó:
– Đạo là Đời, Đời là Đạo, Đạo ở ngay trong mỗi gia đình… hiểu rõ chân lý của Đức Phật thì con đường bạn đi mới tránh bị sai lầm…
TRÍCH QUYỂN: “DÙNG Ý TỐT VÌ NGƯỜI KHÁC LÀ HẠNH PHÚC TRƯỜNG TỒN”
NXB. HỒNG ĐỨC