CÒN CHẤP NGÃ THÌ SẼ CÓ “ĐƯỢC – MẤT” NHƯNG KHI ĐẾN VÔ NGÃ RỒI THÌ “ĐƯỢC – MẤT” CŨNG KHÔNG CÒN…

Nếu không có Chấp vào là của mình thì sẽ không có mất và còn. Vì sao lại như vậy??? Bởi vì:

– Nếu có chồng mà giữ chồng thì mới ghen với những người bạn khác giới của chồng, có vợ thì ghen với những người bạn nam giới của vợ. Đây gọi là nắm giữ đối phương của mình hay còn gọi là ghen…
– Có nhà thì giữ nhà, Chấp của cải nơi nhà mình… Đây chính là nắm giữ nhà là của ta nên mới có phiền não….
– Tiền cũng vậy, nếu bạn nắm giữ tất cả tiền của mình, đầu tư vào đâu nếu chẳng may không còn thì hãy xem là “mất đi”, không phải là nắm giữ thì cũng không có “mất mát”…

Nên nếu còn được và mất thì là nằm trong “Chấp Tôi”, vì thế nhà cửa, tiền tài, đất cát…hoặc ai nói bạn đều cho là nói ta, của ta, ta bị nhục nên không “Buông xả” được. Chấp này không “bỏ” được nên cố nắm giữ chặt vào thành ra có được, có mất. Ai cho tiền thì nắm lấy mang về thành của ta gọi là được, ai lấy tiền đi của mình, lỗ vốn hoặc đầu tư nhầm, xài mất tiền…thì gọi là mất.

Được và mất này sẽ đi theo Luân Hồi nhiều tỷ kiếp, muốn dừng Nghiệp thì bạn tập có cũng không vui, mất cũng không buồn. Đây gọi là không “Dính” Pháp của Phật, bạn nên tập cho thuần thục chỗ không Dính này, đôi khi như vậy có trường hợp sẽ nghĩ là:

– Của tôi, của ông, của bà… sao lại không Chấp vào của mình nếu thế để họ đến lấy hết đồ hay sao???

Thực tế đôi khi là như vậy, mọi thứ mình chỉ là “mượn” để sử dụng, chứ khi mất cũng đâu có mang đi được. Cho nên có gì thì làm đấy, có gì thì tiêu đấy, được cũng không vui, mất cũng không buồn. Như vậy mới gọi là cuộc sống tùy duyên, sẽ làm cho con người của mình không bao giờ bị phiền não, bởi vì nếu không có được, không có mất thì sẽ không tạo Nghiệp. Do lòng Tham nên mới sinh ra lừa đảo trộm cắp, chiếm đoạt tài sản của người khác về làm của riêng, Chấp là của mình gọi là thật có…

Để rồi phải đi trả Nghiệp không biết bao nhiêu tỷ kiếp, muốn “Dừng” Nghiệp thì bạn hãy tập không làm những việc như:

– Lừa đảo
– Trộm cắp
– Tà dâm
– Nói dối
– Uống rượu làm mất kiểm soát lời nói hoặc gây ra tai nạn giao thông…

Tất cả những việc này nếu bạn đều Dừng lại được thì bạn sẽ khỏe mạnh, không tạo thêm Nghiệp mới, không có được, mất. Các vị Phật, Bồ Tát đã hiểu ra chân lý này nên mới dạy cho hậu thế:

– Giúp người chính là giúp mình, thành tựu cho người, chính là thành tựu cho mình…

Nên bạn hãy tập Buông xả, bỏ “Chấp Tôi”, không Chấp, bởi trong cuộc sống:

– Ai chửi ta, ai nói ta, ai làm nhục ta, ta làm đúng, làm giỏi, luôn là người ở trên, ta không có nhiều tiền… tất cả đều là do Chấp vào là của ta vậy…

Những Chấp này nếu bạn cũng biết mình đang Chấp thì sẽ đồng một thể với các vị Phật, Bồ Tát. Vì thế các vị không bao giờ Chấp là của mình thì sẽ không có mất đi, không phải của mình thì không có được nhiều, được ít, nên không có đố kỵ, không có ghen tức, không có tham vọng, sống tùy duyên để “phá” Chấp Ngã “to” như núi Tu Di của chính mình mới được gọi là người cao thượng…

Lúc đang nói người khác mà bạn “Biết” là mình đang nói sai, mình đang Tưởng thì sẽ “Dừng” được các Vọng Niệm, Tánh Biết của bạn sẽ mỗi ngày một lớn, trong sáng khi dùng Tánh Phật. “Thấy, Nghe, Nói, Biết” sẽ luôn sáng suốt, chứ không như “anh mù sờ voi” mà là những người “mắt sáng” tỉnh thức rõ ràng để nhìn “thấu suốt” cuộc đời.

Nên các bậc Giác Ngộ không có Chấp ta, Chấp của ta, ta giỏi… các vị hiểu được chân lý đó nên các vị không có phiền não, không có được mất… Còn thế gian đa số là chạy theo được – mất nên mới tạo ra những vòng xoáy Luân Hồi. Bạn thử nghĩ xem:

– Vợ chồng, con cái… cũng là oan gia hoặc đến trả nợ cho mình…
– Thân thể cũng do tạo nên từ Tứ Đại, Nghiệp lực nơi mỗi người…

Vì thế, cuộc sống này có nhiều những đau khổ vô lý. Tại sao vậy??? Tại vì Nhân Quả đã đưa đến, tại vì mọi thứ đều là Nghiệp phải trả nên tất cả tùy duyên không cố Chấp, Kiến Chấp vào một vấn đề gì thì cuộc sống này mới bớt đau khổ… Chỉ cần bỏ Chấp thì tất cả đều có thể trở về với bản thể của chính mình, đó chính là Phật Tánh.

Vì vậy, bạn nên hiểu thế nào là Chấp, như:

– Thấy dùng Ý “Vì Người Khác”, nghĩ tốt cho người khác để dần thuần thục Thiện thì là đúng…
– Thấy thành kiến với người khác, xui khiến mọi người làm thế này thế kia để đi theo chiều Tham Tưởng thì đều là sai…

Không nên cho ta là đúng, không nên cho ta là giỏi nhất… bởi đó đều là Danh, Chấp Ngã, bạn hãy tập nhìn thấy liền “Dừng”, dùng Ý “Vì Người Khác” để giúp cho nhiều người Giác Ngộ Giải Thoát. Còn Nghiệp quả đến thì bạn hãy hoan hỷ chấp nhận mang những nụ cười ánh mắt, những lời nói hay để đi bố thí giúp cho mọi người Giác Ngộ. Những đồng tiền chẳng may mất mát, bạn cũng đừng “Chấp” là của mình, kẻo sanh phiền não, khổ đau…

Có nghĩa là:

– Bạn mà lừa đảo người khác là bạn đang “mua” phiền não…
– Còn bạn dùng Ý “Vì Người Khác” để giúp đỡ cho mọi người, gọi là bạn đang “vứt bỏ” phiền não…

Các vị Phật, Bồ Tát, khi giúp người Giác Ngộ Giải Thoát, đều lấy bố thí làm hàng đầu để gieo nhân duyên Phật Pháp nên cho đi là còn mãi, trong cuộc sống có nhiều cách để bạn thực hành cách cho đi, ví dụ có những trường hợp:

– Cho đi rồi nhưng về nhà thì hậm hực, tiếc nuối…
– Nhìn thấy người khác thương quá thì cho, sau thì kể “thành tích” với anh em, họ hàng… tức là cho theo đối đãi, có người, có ta…

Còn cảnh giới của Phật, Bồ Tát là giúp người khác Giác Ngộ Giải Thoát, một đời nhận ra Tánh Phật để hành theo Ý “Vì Người Khác”, một đời này có thể trở về với “Thế Giới Chư Phật”. Còn bậc “phàm phu” thì cho rằng:

– Đi kiếm nhiều tiền về thì sẽ có được hạnh phúc…

Nhưng những vị thực sự hiểu chân lý của Đức Phật thì sẽ:

– Ngoài sinh hoạt hàng ngày thì sẽ dùng tiền để làm phương tiện in sách, giúp người Giác Ngộ Giải Thoát…

Đây chính là cứu cánh Niết Bàn, là Thanh Tịnh, hạnh phúc Tự Nhiên.

Trong cuộc sống, đa số đều nghĩ được người khác phục vụ mới gọi là hạnh phúc. Nhưng đối với những người hiểu Phật Pháp thì đi phục vụ mọi người mới là hạnh phúc “vĩnh cửu” trường tồn hay còn gọi là đi “ngược” với thế gian…

Đôi khi bạn làm việc tốt thỉnh thoảng vẫn bị người khác “ghét”. Mọi người xung quanh bạn rõ ràng họ công nhận bạn là người tốt nhưng họ vẫn cảm thấy hơi “khó chịu”. Đó là “dấu hiệu” để bạn trở về với “quê xưa”, vì ở nơi Thế Giới này không có còn “tiếp nhận” bạn…

Người khác thì luôn thích mình được khen điều tốt còn người hiểu Phật Pháp thì không muốn ai biết đến, càng làm càng không lưu dấu vết, không muốn ai cung phụng… Đây gọi là đạo lý Vô Ngã hay còn gọi là Chánh Pháp của Đức Phật dạy khi xưa…

 

TRÍCH QUYỂN: “DÙNG Ý TỐT VÌ NGƯỜI KHÁC LÀ HẠNH PHÚC TRƯỜNG TỒN”
NXB. HỒNG ĐỨC

Bài viết liên quan