Cách thực hành dung nhập sai và đúng nên hiểu như thế nào???
Có 1 ví dụ thực tế:
– Một cô A đi ra ngã tư thấy 2 bà cô đang nói xấu hàng xóm, cô liền lao đến bảo họ thôi bỏ đi, đừng nói xấu họ nữa, 2 bà khi về nhà liền cảm thấy bực tức nhưng không làm gì được.
– Cô đứng ra khuyên bảo, tối về cảm thấy mệt, thắc mắc mình thực hành đúng Ý Tốt mà sao lại bị đau đầu??? Nên mới kể cho bạn đồng tu nghe. Bạn đồng tu bảo cô thực hành sai, đây là Chấp chồng lên Chấp, cách thực hành đúng là ngồi xuống lắng nghe họ nói xấu về chủ đề gì??? Vì chị phải biết rằng, ngoài người muốn tập hành Ý Tánh Phật: “Thấy, Nghe, Nói, Biết” thuần thục Thiện, giúp người khác Giải Thoát ra thì ai cũng cho bản thân mình là đúng.
Không chịu soi lỗi mình mà chỉ nhìn lỗi xấu của người khác để cả đời nghĩ họ như thế, có khi họ đi làm việc tốt cũng bảo họ bị “’vấn đề”, vì họ đi ngược lại với những gì của thế gian. Đôi khi bạn cứ cho bạn mới là người đúng, vì cả đời dùng “Chấp Tôi”, “Chấp Ngã” thành Kiến xấu xa thì nhìn ai cũng nghĩ họ đều mưu cầu cá nhân, hãm hại nói xấu nên không thể nghĩ người khác tốt được.
Cho nên có thể lắng nghe quan điểm của họ nhưng bạn sẽ hướng những người hay nói xấu này là:
– Tôi thấy bà đấy rất tốt, hay đi giúp những người nghèo khổ…
Tuy có khuyên can nhưng cũng chỉ muốn tốt cho mọi người thì mọi việc bạn làm đều đúng.
Nên chính mình mới là người xấu, chứ không phải ai khác, bạn nhìn mình trước, thay đổi chính mình, bằng lòng với mọi thứ thì bạn là người hạnh phúc nhất thế gian.
Đây là diệu dụng của Tánh Phật “Thấy, Nghe, Nói, Biết” nói với Ý không “Chấp Trước”, chứ không phải bạn Chấp tu, không vừa lòng ai, bạn cũng đi kể xấu, phân biệt họ là người không tốt vậy.
Không nên Chấp tôi tu là người tốt, đây không phải Tánh Phật tự nhiên mà là “Khởi” lên “Chấp Tôi” tu giỏi hơn nhiều người, phân biệt, quyết định cho người khác là xấu, như chị A ban đầu cũng đã áp dụng sai, dùng “Chấp Tôi” khuyên bảo nên mới bị đau đầu, cũng bởi vì oán khí trách móc của những người được khuyên đã dồn đến chị.
Vậy nên, bạn sống và dùng Tánh Phật trước để hiểu diệu dụng của Tánh Phật, để giải quyết mọi việc không sai, lòng bao dung không Chấp Trước, quan trọng là nhìn ai cũng tốt chứ không như Tánh Ngã chỉ hay bảo thủ, bao biện, thành kiến, Chấp Trước, lúc nào cũng cho là số một, chuyên đi nói xấu hại người…
Muốn nhìn người sống bằng Tánh Phật như nào thì bạn hãy nhìn họ đối sử với tất cả mọi người, như bố mẹ, anh em, hàng xóm, dân làng… thì bạn sẽ hiểu. Hãy nhìn hành động xử lý của họ chứ đừng nghe họ, khoe họ tốt, bởi những người thích khoe là những người hay sống bằng Chấp Ngã. Như:
– Cả đoàn đi thăm quan đến nhà một người bạn chơi, cả nhóm tùy thuận có gì ăn đấy nhưng bỗng có một người trong đoàn bỗng cảm thấy khó chịu, đứng lên nói:
+/Tôi không ăn mặn, món này tôi không có ăn được…
Cả nhóm nhìn người đó. Nếu đứng về phía người tu lâu, Chấp tôi ăn chay trường thì họ rất đúng nhưng với tập thể sống dung nhập thì người đó bị tách ra khỏi đội nhóm, cũng bởi vì sống bằng Chấp Ngã vậy.
Thì ra dung nhập là thế, tránh những điều xấu là hàng rào để ngăn không tạo thêm Nghiệp nên mới có thập Thiện, mới có Ngũ Giới là để tránh những Tánh xấu của con người. Còn về ăn uống thì mình đi đâu dung nhập tại ở đó, cụ thể như:
– Không sát sinh
– Không để lại dấu vết
– Không “Chấp Tôi” ăn chay
– Không “Chấp Tôi” tu giỏi…
Trong cuộc sống, do có thân người mà khổ, lười, sanh phiền não dẫn tới Tham, hơn thua nên mới có những trường hợp anh em… hại nhau vì tiền bạc, đất cát…
Còn nói xấu, ganh ghét, đố kỵ… thường là vì Danh nên mới hay đi nói xấu người khác. Mục đích để chứng tỏ mình là người tốt nhưng người ngoài nhìn vào sự Chấp Ngã thì cũng đã nhận ra rồi.
Vì muốn nâng mình lên mà tìm cách nói xấu, “dìm” người khác xuống nên chỉ có “Dừng, Buông” được “Tham, Danh, Lợi” cùng Chấp Ngã, Kiến Chấp… thì bạn sẽ có cuộc sống luôn nghĩ tốt cho mọi người, nhìn đâu cũng bằng năng lượng tốt, tích cực, làm gì cũng xuất phát từ tình thương, không phải vì người khác khen, thích Danh thì mới làm. Không nên nhiệt tình quá, kẻo bạn làm mọi việc sẽ sai, bạn tập dùng Trí Tuệ sáng suốt để xem việc nào nên làm và việc nào không nên làm để giải quyết vào trong mọi công việc hằng ngày của mình.
“Chấp Ngã” có xúi Ác, làm Xấu mà Ý trí thua thì cả thân sẽ hành động, phục vụ cho những việc làm không tốt, có hại cho nhiều người. Nên bạn hãy soi xét nơi mình, nhìn lỗi chính mình thì bạn mới là đệ tử chân chính của Đức Phật. Hiểu người là thông minh, hiểu mình soi lỗi mình, mới là Trí Tuệ. Bạn có bố thí tiền vàng, đầy cả Đại Thiên Thế Giới cũng không bằng bố thí Pháp cho người nhận ra được Tánh Phật của chính mình.
Đây là lý do mà Đức Phật dạy:
– Bố thí Pháp là cao quý nhất…
Vì đã thay đổi từ một phàm phu sang một vị “Thánh Nhân” tức được trở về với “Thế Giới Của Phật”.
Muốn tập và hành theo Ý của Tánh Phật thì bạn không nên “Khởi” tâm, không nghĩ lợi ích tính toán cho bản thân thì sẽ tự nhiên Thanh Tịnh. Bạn biết mình có “Chấp Tôi”, có “Tánh Phật”, biết “Chấp Tôi” xúi có lợi cho bản thân thì không theo, chỉ “Biết” vậy thôi. Suy nghĩ dùng Ý có lợi cho nhiều người hay còn được gọi là thuần hóa “Chấp Tôi” của chính mình vậy.
Trước bạn không biết thì bỏ qua nhưng giờ bạn biết rồi thì bạn không nên theo những “Niệm Xấu” xui khiến như thế nữa là được. Ví dụ:
– Ra đường thấy cây ổi, quả mít chín thơm phức thì bạn tập “Thấy, Biết” như vậy thôi rồi đi tiếp nhưng nếu Tánh Ngã, tức Chấp Tôi khởi lên:
+/Ngon quá! Lấy trộm một ít mang về nhà mà dùng dần….
Rồi Ý bị cuốn, quyết định hành động theo để ăn trộm rồi bị chủ vườn bắt được, thấy xấu hổ với dân làng, hàng xóm…
Nên mới nói bạn hãy suy nghĩ, cân nhắc trước mọi hành động của mình, nếu không muốn ai biết việc làm xấu của bản thân thì đừng làm những việc không tốt, vi phạm Pháp Luật.
Khởi đúng là giúp người khác được “Giác Ngộ Giải Thoát”, nghĩ và tìm cách để luôn có lợi nhất cho nhiều người. Khởi sai là luôn “Khởi” Tham, Sân, Si… sống bằng “Chấp Ngã”, càng “Khởi” càng che mất Tánh Phật, khiến bạn càng ngày càng phiền não, mệt mỏi và khổ đau hoài theo thời gian…
TRÍCH QUYỂN: “BẤT TỬ CỦA CHÍNH MÌNH ĐANG Ở TẠI NƠI ĐÂU???”
NXB. HỒNG ĐỨC