Muốn “Dừng” việc Ác – Kiến Chấp và “Dừng” được Tưởng thì bạn hãy thử hành động như sau:
– Một số người hay sống Ác, có người còn dám hại cả cha mẹ, anh em… Thế gian gọi những trường hợp này là đại Ác nhưng thực tế có những người nhìn vẻ bề ngoài hiền lành nhưng chưa chắc họ đã hiền, nguyên nhân là do họ chưa gặp cảnh. Nên muốn triệt tiêu Tánh Ác tận gốc thì bạn nên “soi” cũng như “Thấy, Biết” từng niệm Khởi thì mới dần hết được. Như:
– Người chồng đi ngoại tình, người vợ bắt gặp được. Tánh Biết, “Biết” Tánh Ác nổi lên xúi là:
– “Đánh họ đi”…
Tánh Thiện thì khuyên:
– Đánh họ lỡ ảnh hưởng đến tính mạng thì rất dễ vào tù. Nếu người chồng mà ngoại tình thì họ sẽ phải tự chịu Luật Nhân Quả, khi mất bị đọa xuống Địa Ngục ôm cột đồng…
Tánh Thiện biết Nhân Quả nên không dám làm hại người. Nhưng Tánh Ác vẫn bao biện để xúi:
– Theo dõi người đó xem địa chỉ ở đâu??? Làm ở công ty nào???
Tánh Biết thì vẫn “Biết” là Ác nhưng chưa “Dừng” được, vì Ý Ác lớn hơn Ý Thiện. Dẫn đến hành động là hại người…
Vậy là ngày qua ngày, Tánh Ác bao biện là để đi học hỏi nhưng thực tế là đang đi theo dõi “cô tình nhân” của chồng, đến lúc ra hành động không thể kiểm soát được nữa thì cũng đã muộn.
Nếu cũng trong trường hợp này, muốn “kiểm soát” Tánh Ác thì:
– Tánh Biết phải soi rõ vào những “ngóc ngách”, không cho niệm Ác bao biện nên “nhìn” rõ vào những bao biện của Tánh Ác. Mỗi lần nghĩ đến việc đi đánh ghen thì Tánh Biết phải “Biết” rằng: “Đây là của Tánh Ác bao biện, không nên sử dụng mà phải “xử lý tận gốc”. Nhiều lần như thế thì mới dần hết được, chứ không phải chỉ “Thấy, Nghe, Biết” một lần mà hết. Nên khi gặp cảnh là bạn phải “theo dõi” để tập không dùng Tánh Ác. Nếu bạn không kiểm soát Tánh Ác thì rất dễ đi theo con đường xấu, dẫn đến hậu quả khó lường…
Bởi ghen tuông làm con người mê mờ, vô minh, che mất đi Tánh Phật. Vì vậy, muốn hết Tánh Ác thì khi gặp cảnh phải “Thấy, Biết” niệm Ác của mình để Tánh Ác không trỗi dậy. Hằng ngày suy nghĩ tích cực, giúp cho nhiều người Giác Ngộ Giải Thoát để Tánh Ác không có cơ hội xúi giục. Quan trọng là bạn phải nhận ra rằng:
– Mình rất là Ác, mình rất là xấu, không dám tự cao tự đại, ngạo mạn, xưng nọ xưng kia…
Nếu cứ để Tánh Ác trỗi dậy thì sẽ sinh ra các tệ nạn trộm cắp, chỉ muốn trộm của người khác để mang về cho mình. Nên chính mình phải “Dừng” được Tánh Ác, Tánh Tưởng, Tánh Nghi… chứ người ngoài không thể tu tập thay bạn được mà chỉ có bạn mới tự thấy lỗi và giúp được cho mình. Bạn “Biết”, “Thấy” mình “nhiều vọng niệm” thì phải “nhận ra” cho sạch, không cho Tánh Ác trỗi dậy, mỗi lần gặp cảnh đều nên tập Biết rõ các Tánh Ác “Khởi” lên, không cho bao biện, không dùng “Chấp Tôi”, kẻo rất dễ bị tổn Phước…
Nếu bạn không dùng “Chấp Tôi” thì Tánh Biết của bạn sẽ lớn dần, bạn hãy dùng Ý để điều khiển “bản lai diện mục” Tánh Thiện của bạn. Vì vậy, khi Biết “Tánh Tôi” thì bạn tuyệt đối không bao biện, che đậy… kẻo bị niệm Khởi chồng chất lên nhau, thành ra nuôi niệm Xấu từ ngày nào mà bạn cũng không biết.
Đến khi ra hành động thì bạn đã bị mất kiểm soát, bị Xấu Ác dẫn mình ra hành động. Nên tu tập cần “soi” rõ những niệm Xấu cũng như những lỗi của mình để không bị niệm Xấu Ác bao biện. Nhận Biết rõ “Tưởng” trong tàng thức và Tưởng trong Tánh Khởi khi gặp cảnh. Khởi lên thì “suy nghĩ” chính là Tưởng để rồi Tưởng theo cảnh đó, cuốn vào cảnh đó mà không biết thoát ra. Trừ khi Tánh “Thấy, Biết” của mình nhận rõ niệm Khởi thì sẽ “Dừng” được hết Tưởng, Dừng được những suy nghĩ, Kiến Chấp, Chấp Tôi…
Còn khi không gặp cảnh mà tàng thức tự nhiên “tuôn đổ” thì bạn cứ để “tự nhiên”, không “đè chặn”, không phải “nói lại”, đối trị với những niệm đó. Bạn chỉ Biết và nhìn niệm Khởi như đứng trên bờ mà nhìn nước chảy vậy. Dòng nước có bẩn cỡ nào thì bạn cũng không nên nhảy xuống sông, kẻo rất dễ bị nguy hiểm… Sông chứa rác thải, tượng trưng cho tàng thức. Tánh Phật tượng trưng cho người ngồi trên bờ, chỉ Thấy Biết, không theo niệm xấu…
Bạn không nên “chạy theo” niệm “Khởi” kẻo sẽ bị Dính vào. Vì tàng thức Xấu nhiều, càng “tuôn đổ” nhanh thì càng hết nhanh, nhiệm vụ của Tánh Phật là “chỉ ngồi” để tập không theo niệm xấu. Khi gặp cảnh bạn Dừng được Tưởng, không cho Tưởng ra nhiều thì sẽ dần hết. Vì vậy, trong cuộc sống bạn không nên tự cao tự đại để nuôi “Chấp Ngã” càng ngày càng lớn. Bạn hãy khiêm tốn để bản thể trở về là Vô Ngã, có thể chữa được bệnh cho chính mình và sống một cuộc sống an nhiên tự tại…
Không nuôi Ngã Mạn, kẻo bạn không trở về với Vô Ngã được. Mỗi ngày bạn chọn một niềm vui, niềm vui là phục vụ mọi người, luôn luôn ở dưới mọi người, giúp cho nhiều người ai cũng hiểu được Giác Ngộ Giải Thoát như bạn. Có tiền cũng vậy, bạn phải biết dùng tiền cho đúng để không bị tổn Phước, lãng phí…
Hằng ngày, bạn nên chuyên nhất giúp người khác Giải Thoát Giác Ngộ. Bởi khi còn sống, bạn “nghiêng” về bên nào thì khi mất bạn sẽ “’hướng” về nơi đó. Nên hằng ngày, bạn giúp cho người khác Giác Ngộ Giải Thoát thì khi bỏ báo thân này bạn sẽ về với “Thế Giới Của Chư Phật”. Mà công việc của Chư Phật là giúp cho người khác Giải Thoát Giác Ngộ cũng giống như cây cối, cây mà nghiêng về phía nào thì cây sẽ đổ về phía đó. Vì vậy, bạn hãy nên giúp cho nhiều người hiểu như bạn, cũng đồng nghĩa là từ ngày mai bạn hãy tập thực hành để trải nghiệm những sự vi diệu của Phật Pháp, chứ không phải là huyền ảo, huyền linh vậy…
TRÍCH QUYỂN: “DÙNG Ý TỐT VÌ NGƯỜI KHÁC LÀ HẠNH PHÚC TRƯỜNG TỒN”
NXB. HỒNG ĐỨC