Niệm Phật không phải là chờ Đức Phật A Di Đà rước về mà là niệm và hành chính “Tánh Phật” của mình. Như một số trường hợp lên ban thờ Phật niệm Phật rất là nhất tâm nhưng khi ra khỏi ban thờ Phật thì lại đối xử với mọi người không được bình đẳng. Ví dụ:
– Phân biệt người giúp việc, cho ăn ở không giống như một con người, phân biệt thành thị với nông thôn, hay nói xấu, tự ái, ngạo mạn, chửi chồng mắng con, làm đủ chuyện gian dối thì đây gọi là “tâm loạn”. Nếu muốn “Nhất Tâm Bất Loạn”, bạn hãy thực hành chỉ suy nghĩ chuyên nhất giúp cho mọi người Giác Ngộ và Giải Thoát, làm lợi ích cho muôn nơi, nghĩ tốt cho tất cả mọi người. Không tính lợi cho mình, không suy nghĩ đảo điên phiền não, không trách móc lỗi người chỉ nhìn lỗi mình… luôn tỉnh táo nhận ra những sai lầm của bản thân để không bị “Chấp Tôi” sai khiến, biết sai để chỉnh sửa, không làm nô lệ cho “Chấp Tôi” mà chính bạn đã tự mình “thắt nút”.
Đây là lý do để điện từ Âm Dương cuốn hút ở nơi Trái Đất sinh ra Luân Hồi, oán thù đến trả nợ oán thù, Nghiệp gieo chồng lên Nghiệp rồi phải đi trả nợ. Nên Kiến Chấp là một loại trói buộc Tánh Phật, càng Kiến Chấp bao nhiêu thì lại càng trói chặt, che mờ Tánh Phật bấy nhiêu. Chính vì còn Chấp Ngã, Chấp nhà cửa, Chấp ai mắng là oán giận, Chấp tu cao thấp, Chấp Niệm Phật nhiều, Chấp ăn chay, Chấp giỏi hơn mọi người… Nên nếu “bỏ” đi Chấp Ngã này, “Buông Bỏ” những oán thù kia thì Tánh Phật sẽ chỉ còn “Thấy, Nghe, Nói, Biết” đầu tiên thật rõ ràng và dùng Ý có lợi cho nhiều người.
Khi gặp cảnh đến, Thấy mọi người làm gì, bạn hãy tập suy nghĩ tốt thì đây là nằm trong bản Thiện của Tánh Phật, còn ngược lại nghĩ xấu về họ thì đây là Kiến Chấp, do tưởng tượng nghĩ xấu, thấy như thế nhưng sự thật không phải là như vậy. Ví dụ:
– Người này đang mắng con dạy cháu, muốn tốt cho con cháu, người ngoài thấy người này đánh như vậy thì nghĩ họ Ác. Trong khi họ đang muốn tốt cho con cháu của họ nên mới làm như vậy. Cho nên “tình ngay lý gian”, thật giả lẫn lộn… mới thấy cảnh mà đã ngay lập tức đã nghĩ xấu cho họ, chính những suy nghĩ này đã làm che mờ đi mất “Tánh Thấy” đầu tiên. Như thế sẽ không còn sáng suốt, bởi cứ Thấy là đã “Khởi” lên, nghĩ xấu cho người khác rồi, đã Chấp lại còn chồng lên Chấp. Bởi vậy, Đức Phật mới dạy:
+/Nếu không hiểu được người khác đang làm với Ý gì, nếu họ làm với Ý tốt, trong sáng mà mình lại đi nghĩ xấu, tức mình đang tạo Nghiệp rất nặng. Nếu họ vẫn dùng Ý tốt mà mình dùng “tâm phân biệt” của mình để đi so đo thì cũng chính là đang đi tạo Nghiệp mới vậy.
Cho nên Đức Phật dạy:
– Nếu Tâm chưa được Thanh Tịnh tự nhiên thì không nên xen vào Nhân Quả của người khác…
Vì mình chưa hiểu nguyên nhân ra làm sao mà đã đi nói xấu thì đều là “Kiến Chấp” của mình, là niệm Tưởng, “Chấp Ngã”, do đó không phải việc của mình thì không nên xen vào Nhân Quả của người khác, chỉ cần lo “rửa sạch Tâm bẩn”, những Nghiệp Ác, Ngã Chấp, sai lầm của mình. Phải tập hành để nhận về Tánh Chân Thật, “Chấp Ngã” thì luôn để ở “dưới chân” để khi gặp cảnh bạn sẽ không bị sanh phiền não…
Luôn “Biết” Ác – Thiện “tranh đấu nhau”, không dụng công đè nén. Tu Đạo nên cần có bạn đồng tu chân thành để sai trái đều biết góp ý cho nhau cùng tiến bộ, giúp cho nhau hóa giải các cảnh đến, dù nghịch cảnh hay thuận cảnh cũng không có vui hoặc buồn theo. Vì nếu ra hành động vui, buồn thì sẽ đi theo cảnh và bị dính cảnh rồi vậy.
Trường hợp gặp cảnh bị “dính” không còn Tánh Biết, nếu có Tánh Biết thì “Biết” đây là cảnh, tập không theo cảnh thì “Chấp Ngã” không có cơ hội phát triển. Ví dụ:
– Đi ra ngoài đường nhìn thấy xe đẹp, về suy nghĩ phải mua cho bằng được thì gọi là dính cảnh, bởi “thích” tức là bị dính. Còn nếu ra ngoài đường, đi khắp bốn phương trời nhưng không thích một thứ gì cả thì gọi là không bị dính cảnh…
Vì vậy, nếu tất cả mọi thứ không có thích, không trụ chấp vào nơi đâu như: Gia đình, nhà cửa, của cải, anh em… thì gọi là không bị dính vào vật lý thế gian. Ví dụ như hoa sen sống ở bùn mà không bị hôi tanh mùi bùn, lấy sự khổ đau là chỗ để nuôi trồng Tánh Phật. Có cũng được, không có cũng không buồn phiền, đối xử với tất cả mọi người vẫn dùng Ý tốt nhưng không yêu quá, không ghét quá. Ví dụ:
– Một người không thể xa con được một ngày, dùng mọi thứ tốt đẹp nhất cho con, nếu có người chưa động vào mà con đã tự ngã thì họ có thể sân lên mà không cần quan tâm biết lý do. Đây là cách thương con thái quá sẽ làm cho con hư hỏng, gọi là “dính” con…
– Còn dính tiền là hằng ngày làm được bao nhiêu thì luôn mang ra đếm, thích thú với việc đếm tiền, khi mất đi một đồng thì buồn, được nhiều tiền thì vui… Hoặc như phun thuốc độc vào hoa quả vẫn có thể bán bình thường, làm thuốc giả để bán, trục lợi khi nhân loại gặp khó khăn, bất chấp kể cả việc hại người cũng phải làm cho bằng được để có lợi cho mình vậy.
– Dính nhà thì không thể di chuyển được chỗ ở, chỉ sợ mất nhà, không cho bất cứ một ai xâm phạm, ôm chấp, rất khó xa được chỗ ở…
– Dính Danh là lúc nào cũng thích ở trên, thích sai khiến, thích người khác ca ngợi, cung phụng…
– Thích lợi là làm bất chấp một việc gì, miễn là có lợi cho mình…
Ở nhà vợ chồng, con cái cũng thế, không xa được nổi một ngày, lòng luôn mong nhớ chờ đợi yêu thương. Vợ hoặc chồng đi cùng đồng nghiệp cũng không muốn cho đi, họ vui thì mình vui, họ buồn là mình buồn, tức bạn không còn có Tánh Biết nữa, cuộc sống của mình không còn là của chính mình mà phụ thuộc hoàn toàn vào cuộc sống của vợ chồng, con cái…
Những ví dụ “Dính” này, tất cả đều là do tư tưởng. Rõ ràng bạn và cảnh vốn không có dính nhau, do “Khởi” lên Kiến Chấp, bám chặt vào những tư tưởng đó nên đã bị dính chặt vào. Do đó, trước khi bạn chưa lập gia đình, chưa có nhà cửa thì bạn đang ở tại vị trị nào??? Có phải là hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng, vô tư…???
Nên thực hành theo Đạo Phật cần tập thuần thục suy nghĩ, cho đến tư tưởng để giúp cho nhiều người Giác Ngộ và Giải Thoát. Dùng “Ý Vì Mọi Người”, xem “Ý” nào lợi mình lợi người thì mới làm. Bởi bất cứ thích một điều gì là bạn đang “Dính” vào thứ đó, tập “bỏ dần”, cuối cùng “Buông” sạch sẽ ở trong lòng, không Tham nhà cửa, con cái, tiền bạc, Danh Lợi, phú quý…
Trong lòng bạn thật sự sạch sẽ, lúc bấy giờ bạn sẽ không còn một sự “Chấp Ngã”, không còn đố kỵ, hơn thua, không trách móc, đổ lỗi cho bất cứ ai, không còn muốn nhận tiền của người khác cho, vì nhận tiền của người khác đồng nghĩa bạn đang gánh Nghiệp “thay” cho họ để dần rồi bị tổn Phước nếu bạn không biết “cho đi”…
Hằng ngày, bạn tập chỉ nên đi giúp cho nhiều người Giác Ngộ Giải Thoát, không nên nhận tất cả mọi thứ về mình. Cuộc sống bây giờ rất nhiều nhân chứng, cứ nhận tiền trong khoảng vài năm của người khác để hưởng thụ thì sau vài năm thường sẽ bị ốm đau bệnh tật, con cái không có Phước làm ăn.
Vì thế, bạn hãy tập biết cho đi từ trong lòng, bố thí Pháp, từ nụ cười ánh mắt… thì bạn sẽ không bị tổn Phước. Bạn muốn Giải Thoát thì bạn phải tự “cởi trói” cho mình, vì ngày xưa chính bạn đã trói chặt những “Kiến Chấp” của mình, luôn cho tất cả mọi việc bạn làm là đúng, không dùng “Tánh Biết” mà đi dùng những Kiến Chấp, hay đi trách móc người khác.
Vì vậy, chính bạn bây giờ phải tập dần để “Buông Bỏ” những Chấp Ngã của mình chứ không ai có thể làm thay giúp cho bạn được. Vì bạn đã dùng “Chấp Ngã” nhiều quá nên quên mất không dùng Tánh Phật “Thấy, Nghe, Nói, Biết” mà đi dùng “Dính Mọi Thứ “ để sau bạn phải bị đi theo Luân Hồi…
Bây giờ, chính bạn phải bỏ đi hết những Kiến Chấp, phiền não, đó là những “nút buộc” thắt chặt bạn bao tỷ kiếp, chính bạn phải tự mình mở trói, “gỡ” Kiến Chấp, phiền não đó thì bạn mới Giải Thoát được. Những Kiến Chấp, tư tưởng phiền não, chính là những trách móc, nghĩ xấu, suy diễn, oán thù… trong cuộc sống đời thường của mình.
Bạn hãy sử dụng “Thấy, Nghe, Nói , Biết” đầu tiên, sau đó dùng “Ý Vì Người Khác” để làm chủ, không dùng những “Dính Chấp” đã lừa dối bạn biết bao nhiêu tỷ kiếp. Ví như Tánh Phật là cây mít, cây tầm gửi là Kiến Chấp, cây tầm gửi chỉ sống nhờ trên cây mít. Nhưng bạn không chăm cây mít mà bạn lại đi chăm cây tầm gửi, làm cho cây tầm gửi tốt sum xuê, nhưng cây tầm gửi thì lại phải sống nhờ trên cây khác vậy.
Cho nên, bạn hãy thử nhìn xem cây tầm gửi có gốc không??? Tầm gửi không có gốc nên bám rất là chặt, giống như đã “Kiến Chấp” một điều gì thì thường sẽ Kiếp Chấp rất lâu nếu không có ai hướng dẫn cho cách gỡ. Chính vì thế Đức Phật mới dạy:
– Không lấy cát mà nấu thành cơm được…
Giống như bạn lấy “Chấp Tôi”, “Kiến Chấp” ra tu thì làm sao bạn có thể trở về với “Thế Giới Của Chư Phật” được, cũng như ví dụ của cây tầm gửi, bạn không chăm cây mít mà bạn lại đi chăm cây tầm gửi thì làm sao bạn có quả mít để ăn, nên bạn phải chăm cây mít thì cây mít mới có thể ra quả được…
TRÍCH QUYỂN: “DÙNG Ý TỐT VÌ NGƯỜI KHÁC LÀ HẠNH PHÚC TRƯỜNG TỒN”
NXB. HỒNG ĐỨC