“Dung Nhập” là làm chủ được “Chấp Tôi” của mình. Ví dụ như:
– Khi nhà hàng xóm mở những bản nhạc mà bạn không muốn nghe, nếu là ngày xưa “Chấp Tôi” của bạn sẽ sang nói, thậm trí còn chửi thầm họ. Nhưng khi nhận về Tánh Phật của mình, lúc bạn nghe bài hát của nhà hàng xóm thì bạn chỉ “Biết” là “Nghe” tiếng nhạc, không “Khởi” lên bực tức, khó chịu… tức bạn đã “Dung Nhập” vào trong tiếng nhạc đó rồi vậy.
– Hoặc khi gặp người mắng chửi bạn cũng thế, “Nghe” nguyên vẹn nhưng không “Khởi” thêm niệm thì “Chấp Tôi” sẽ không xuất hiện, tức bạn đang “Dung Nhập” vào trong tiếng chửi của họ.
Thấy cảnh trái ý, Tánh “Thấy, Nghe, Biết” của Tánh Phật thấu rất rõ nhưng không khởi lên nhận “Chấp Tôi” là của mình thì bạn sẽ không còn đối đãi, không nói những lời khó nghe, mỉa mai, thêu dệt đối phương…
Sau khi biết được đâu là “Chấp Tôi”, đâu là “Tánh Phật” thì bạn không dùng “Chấp Tôi” nữa mà chỉ dùng Tánh “Thấy, Nghe, Biết” sau đó “Dừng” niệm xấu lại thì gặp cảnh nào bạn cũng “Dung Nhập” được vào trong từng cảnh một.
Bạn để ý nếu “Niệm” luôn bao che, bảo thủ… với người đối diện, không cần biết đúng sai… thì đều là bao che cho “Chấp Tôi”, giúp “Chấp Ngã” của bạn mọc thêm “bộ cánh” để bay cao và xa hơn vậy. Trong khi bạn rất muốn trở về với “Thế Giới Chư Phật” nhưng hằng ngày bạn luôn bao che cho “Chấp Tôi”, đồng nghĩa bạn đang nuôi “Ngã Chấp” chứ không phải bỏ “Ngã”, bạn tập cho đến khi thuần thục thì bạn mới trở về được.
Ví dụ:
– Người ngoài nhìn rất rõ bạn đang bị “Danh – Lợi” điều khiển, bị “Tánh Tham” xui khiến, xuất hiện nhiều “Niệm” xấu nhưng bạn lại không biết để rồi đi theo những niệm xấu đó vậy. Người ngoài “Biết” rõ nên chỉ giúp, họ cũng chỉ muốn tốt cho bạn nhưng bạn không nghe, còn tự ái, thậm trí còn tránh xa, rồi đi nói xấu họ… Vậy là bạn đã bao che cho những “Chấp Ngã” của mình như một “đội quân” hùng mạnh ở chính trong tâm của bạn. Khi được bao che càng ngày “Chấp Ngã” càng vi tế, bày ra đủ chuyện hợp lý hợp tình mà bạn chưa nhận ra được. Người ngoài nói thêm lần nữa thì “Chấp Ngã” của bạn tự ái, giận lâu… cũng đồng nghĩa bạn đã bị “Chấp Ngã” dẫn rồi.
Vì bạn bao che, cung phụng cho “Ngã” mà suốt bao tỷ kiếp đã luôn xui khiến, khiến bạn phải Trầm Luân trong Luân Hồi, cho rằng “Chấp Ngã” là thật, lấy “Giả” làm thật. Còn “Thấy, Nghe, Nói, Biết” luôn có sẵn nhưng bị lãng quên thì thật là uổng phí một đời tu tập…
Như ở pháp môn Niệm Phật, Đức Phật cũng đã khéo léo dùng phương tiện để giúp nhiều người nhận về Tánh Phật của chính họ, như:
– Niệm là niệm “Tánh Phật” của chính mình, chứ không phải niệm ở hình tướng, Khi niệm chỉ “Biết” là niệm, không “Khởi” thêm những niệm phân biệt khác thì “Thấy, Nghe, Biết” đó chính là Tánh Phật của bạn.
Nên Đức Phật dùng tất cả mọi phương tiện cũng chỉ là để giúp cho mọi người nhận ra được Tánh Phật của chính mình mà thôi, như:
+/Khi có Tiếng, “Nghe” có tiếng.
+/Khi không có tiếng, vẫn “Nghe” nhưng “Nghe” không có tiếng. “Nghe” thấy có tiếng và không tiếng, Tánh “Nghe” vẫn “Thấy, Biết” rất rõ ràng.
+/Hoặc khi có điện “Thấy” sáng, tắt điện “Thấy” tối. Sáng và Tối có sanh diệt còn Tánh “Thấy” thì không hề mất đi.
+/”Biết” cũng vậy, ai nói xấu, tốt, nóng, lạnh… bạn vẫn luôn luôn “Biết”…
Bạn hãy nhận về Tánh Phật, không bao che cho “Chấp Tôi” thì Tánh Phật của bạn sẽ ngày càng “hiển lộ”. Không cần “đè” thêm niệm để có Tánh Phật mà bạn hãy nhận về “Tánh Phật Thanh Tịnh Tự Nhiên” vốn có sẵn nơi chính mình, giúp nhiều người nhận về “Tánh A Di Đà” như bạn thì bạn sẽ dần bớt Nghiệp, chấm dứt “Luân Hồi”. Đây cũng gọi là “Dung Nhập” vào trong các cảnh hàng ngày, như thấy rác trên đường… thì cho vào thùng rác, vậy là bạn đang “Dung Nhập” vào rác, vào cả trong “xóm làng” rồi.
Đi đâu cũng thế, bạn đều làm không ngăn ngại, tức bạn đang sống với Tánh Phật của chính mình. Hoàn cảnh nào bạn cũng nghĩ cho mọi người xung quanh, đặt mình vào họ để xử lý công việc thì bạn đến nơi đâu cũng là nhà, hòa đồng vào trong mọi hoàn cảnh.
Vì bạn “Biết” “Chấp Tôi”, không theo những niệm xấu nên “Tâm Bình thì cả thế giới Bình” là có ý nghĩa ở chỗ này. Chứ không phải gặp cảnh khó, bạn liền trốn cảnh hoặc chuyển đi chỗ khác… Tại sao bạn không chuyển “Chấp Tôi” sang Tánh Phật, dùng thêm “Ý Vì Người Khác” để xử lý vào trong tất cả mọi hoàn cảnh. Nên bạn không cần mất công đi chuyển nhà, kiếm tiền mua đất… để trốn tránh những hàng xóm đã không làm vừa ý bạn… mà bạn hãy chuyển ngay từ chính nơi mình.
Bạn bỏ “Chấp Tôi”, luôn khiêm tốn… sống “Dung Nhập” với hàng xóm, láng giềng thì bạn đã là người thành công…
Nên người có Trí Tuệ thì hãy lấy Trí Tuệ để phục vụ với mục đích cao cả, đừng lấy Trí Tuệ phục vụ cho mục đích không tốt. Cuộc đời như một “bộ phim hay” để đời hay hoặc dở là do “anh đạo diễn”, người “quay phim”, “diễn viên” chỉ là cảnh, vì thế “người xem” nếu nghĩ là cảnh thật thì sẽ vui buồn, khóc cười theo “diễn viên” mà quên mất đi “anh đạo diễn” và “người quay phim” vậy.
“Đạo diễn” tượng trưng cho “Ý” để chỉ đạo cho một “bộ phim” hoặc cuộc đời của mỗi con người…
“Thấy, Nghe, Nói, Biết” là “anh quay phim”, có nhiệm vụ làm theo sắp xếp, hướng dẫn của “anh đạo diễn” điều hành. Còn các “diễn viên” vui buồn, Thiện Ác… đều là cảnh nên “anh đạo diễn” và “anh quay phim” đôi khi bạn không nhớ nhưng các cảnh mà “đạo diễn” sắp xếp thì có thể bạn sẽ nhớ “rất lâu”.
Cả đời bạn chạy theo cảnh nhưng lại không biết “thứ gì” đang “Biết” toàn bộ những sự việc đang diễn ra trong cuộc đời của mình để rồi bỏ quên mất đi “Tánh Phật Chân Thật”, đi chạy theo Tánh “Chấp Tôi” giả dối, có sanh diệt, vui buồn Thiện Ác… thì thật là uổng phí.
Nên bạn hãy nhận về Tánh Phật có sẵn nơi mình, dùng “Ý Vì Người Khác” để thực hành trong cuộc sống. Làm một việc gì cũng nên lấy Ý của Tánh Phật ra để sử dụng, giúp mọi người, ai cũng được Giác Ngộ và Giải Thoát. Còn nếu sống với Ý của “Chấp Tôi” như: “Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác, Kiến…” thì lúc nào bạn cũng chỉ muốn mang lợi ích về cho mình. Nên trong cuộc sống, bạn dùng Ý nào, tương lai của bạn sau này ra sao cũng đều sẽ phụ thuộc vào bạn vậy.
TRÍCH QUYỂN: “BẤT TỬ CỦA CHÍNH MÌNH ĐANG Ở TẠI NƠI ĐÂU???”
NXB. HỒNG ĐỨC